Ông Tập khó lung lay châu Âu về Biển Đông

Sự kiện Chủ tịch Trung Quốc (TQ) Tập Cận Bình hội đàm qua video với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 5-7 và nói muốn hợp tác sâu hơn với châu Âu đưa tới nhiều băn khoăn về những gì sẽ diễn ra thời gian tới. Liệu động thái này sẽ có ảnh hưởng tới mức nào với quan hệ giữa TQ và châu Âu, hay có tác động gì đến chủ trương và chính sách của các nước châu Âu với tình hình khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng như với Biển Đông không?

Cụm từ “hợp tác” đã được đề cập tới 13 lần trong bản ghi chép của Bộ Ngoại giao TQ về cuộc hội đàm giữa ông Tập với bà Merkel và ông Macron. 

Ý nghĩa nhưng không nhiều

Các nội dung được đề cập trong cuộc hội đàm qua video của ba lãnh đạo là về thượng đỉnh thường niên Liên minh châu Âu (EU) - TQ, tiếp cận thị trường, các cơ hội được tạo ra từ Sáng kiến Vành đai và Con đường của TQ, cũng như từ các dự án của TQ ở châu Phi.

Theo báo South China Morning Post (SCMP), cuộc hội đàm giữa ông Tập với bà Merkel và ông Macron diễn ra trong bối cảnh quan hệ EU - TQ đang không suôn sẻ sau việc Thỏa thuận Đầu tư toàn diện song phương (CAI) bị Nghị viện châu Âu quyết định ngưng đưa ra bàn bạc liên quan đến chuyện nhân quyền ở TQ. Phần mình, TQ bác bỏ các lo ngại của châu Âu dựa trên “thông tin sai lầm” và cho rằng không nên để xảy ra tình trạng một “nhóm nhỏ” các nước G7 dẫn dắt thế giới.

Sau cuộc hội đàm, Bộ Ngoại giao TQ nói bà Merkel và ông Macron ủng hộ khôi phục tiến trình thông qua thỏa thuận đầu tư toàn diện. Ông Tập cũng nói với hai lãnh đạo châu Âu rằng “bất kỳ vấn đề quốc tế nào cũng nên được bàn bạc với sự bình tĩnh hợp lý” và “hy vọng lớn nhất của TQ là tự phát triển, chứ không phải thay thế các nước khác”. Theo SCMP, lời lẽ này của ông Tập nhằm đáp trả các nỗ lực của Mỹ trong việc xây dựng một liên minh đối phó với TQ.

Theo ông Ding Chun, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Âu tại ĐH Phúc Đán (TQ), cuộc hội đàm mà một bước tích cực giúp cải thiện quan hệ hai bên đang không được tốt đẹp. Ông Chun cho rằng dù “các mối quan ngại của EU với TQ - bao gồm vai trò của TQ trong quản trị toàn cầu, các vấn đề nhân quyền - đã tồn tại lâu nay” nhưng ít nhất cuộc hội đàm cũng cho thấy hai bên có niềm tin vào hợp tác. Dù không khí chính trị hiện tại vẫn chưa tốt nhưng việc có thể trao đổi với nhau về hợp tác kinh tế đồng nghĩa đã có một số tín hiệu tích cực về thỏa thuận đầu tư toàn diện, còn hơn gạt nó hoàn toàn qua một bên.

Ông Kong Tianping, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu châu Âu thuộc Học viện Khoa học xã hội Bắc Kinh, cũng cho rằng cuộc hội đàm rất có ý nghĩa khi các lãnh đạo có ảnh hưởng nhất của EU vẫn đối thoại với lãnh đạo TQ, bất chấp các nỗ lực của Mỹ nhằm thân thiết hơn với EU. Theo ông, dù EU và Mỹ có các quyền lợi chung nhưng không hoàn toàn khớp nhau, EU có các quyền lợi riêng của mình, đặc biệt là quyền lợi thương mại và không muốn bị kéo vào một cuộc chiến tranh lạnh mới.

Tuy nhiên, theo GS Emilian Kavalski, chuyên về quan hệ TQ - Âu Á tại ĐH Nottingham Ninh Ba (TQ), sự kiện hội đàm có thể không giúp được gì nhiều trong việc cải thiện quan hệ giữa TQ và châu Âu.

Chuyên gia Noah Barkin tại Viện nghiên cứu xu hướng toàn cầu Rhodium Group (Mỹ) cho rằng quan hệ hai bên trong những tháng tới khả năng sẽ bị tác động từ nhiều vấn đề. EU thời gian tới sẽ đề xuất một loạt dự luật, trong đó có vấn đề thẩm định chuỗi cung ứng, có nguy cơ làm tăng căng thẳng với TQ. Trong khi đó, sự quan ngại của châu Âu liên quan đến Hong Kong, Tân Cương, Đài Loan vẫn đang tăng.

Các nước châu Âu vẫn sẽ gửi tàu đến Biển Đông

Các diễn biến sau cuộc hội đàm này phần nào khẳng định nhận định trên. Một ngày sau cuộc hội đàm của ba nguyên thủ trên, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer có cuộc điện đàm với Bộ trưởng Quốc phòng TQ Ngụy Phượng Hòa, theo hãng tin Reuters.

Trong cuộc điện đàm, bà Kramp-Karrenbauer nêu thẳng các quan ngại về nhân quyền với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Bà Kramp-Karrenbauer cũng yêu cầu TQ tôn trọng phán quyết Biển Đông do Tòa Trọng tài thường trực đưa ra năm 2016 - vốn bác bỏ yêu sách quyền lịch sử của TQ với phần lớn vùng biển này.

Một chiếc F-15B chuẩn bị hạ cánh trên tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh. Nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth sẽ được triển khai đến Biển Đông trong thời gian tới. Ảnh: GETTY IMAGES/DEFENCE NEWS

Đức và nhiều đồng minh châu Âu như Anh và Pháp đã tuyên bố sẽ tăng hiện diện quân sự ở khu vực, thể theo các chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của mình.

Đức hồi tháng 3 thông báo sẽ triển khai một tàu khu trục đến Biển Đông vào tháng 8, một phần của chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Berlin. Đến lúc này, Đức vẫn giữ ý định sẽ triển khai tàu và nếu mọi việc diễn ra theo kế hoạch thì đây sẽ là lần đầu tiên Đức đưa tàu chiến đến Biển Đông kể từ năm 2002.

Pháp thì hồi tháng 2 đã đưa tàu ngầm tấn công hạt nhân SNA Emeraude và tàu hỗ trợ BSAM Seine đến tuần tra ở Biển Đông, theo hãng tin AFP. Sau đó, Pháp tiếp tục đưa tàu tấn công đổ bộ Tonnerre và tàu khu trục Surcouf đến Biển Đông. Hiện Pháp vẫn chủ trương sẽ tiếp tục tăng hiện diện ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Trong khi đó, báo Express (Anh) ngày 8-7 cho biết nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh sẽ đến Biển Đông trong vài tháng tới. Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth nặng 65.000 tấn, chở theo 18 chiếc tiêm kích tàng hình đa năng F-35, 1.700 thủy thủ (trong đó có 250 lính thủy đánh bộ của Mỹ). Đi cùng tàu HMS Queen Elizabeth là hai tàu khu trục, hai tàu hộ tống, một tàu ngầm và hai tàu hỗ trợ. Theo lời Thủ tướng Anh Boris Johnson, việc triển khai này sẽ thể hiện các giá trị cũng như năng lực quân sự của Anh, đồng thời cho các nước như TQ thấy rằng Anh tin tưởng ở luật biển quốc tế.

Mỹ, vốn thường xuyên thực hiện các chiến dịch tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông, hoan nghênh sự tham gia của các đồng minh NATO.•

 

Quan hệ Trung Quốc - EU vẫn chưa thể ổn định

GS Emilian Kavalski, chuyên về quan hệ TQ - Âu Á, lưu ý rằng các thay đổi sắp tới trên trường chính trị châu Âu, trong đó có việc bà Merkel sẽ thôi làm thủ tướng Đức vào tháng 9 và Pháp sẽ bầu cử tổng thống mới vào năm tới, có thể là các yếu tố giúp định hình lại quan hệ TQ - EU.

Theo ông Kavalski, bà Merkel và ông Macron có thể là hai trong số ít lãnh đạo EU còn quan tâm đến việc giữ quan hệ thực dụng với TQ. Tuy nhiên, ông Macron lại đang bận tâm với nhiều vấn đề đối nội, trong khi đó gần như mọi ứng viên cho ghế thủ tướng Đức đều đã lên tiếng chỉ trích vấn đề nhân quyền của TQ, cũng như cách bà Merkel ứng xử với TQ. Vì thế, ông Kavalski không tin lắm vào khả năng cuộc hội đàm sẽ giúp gì cụ thể trong thúc đẩy thỏa thuận đầu tư toàn diện, hay giúp giải quyết bất kỳ vấn đề nóng nào trong quan hệ EU - TQ.

Chuyên gia Noah Barkin nhận định việc các nước châu Âu duy trì đối thoại với TQ là đáng kể, tuy nhiên điều quan trọng là phía TQ phải cho thấy thiện chí giảm bớt luận điệu khiêu khích và đi các bước theo đường hướng của châu Âu, chẳng hạn giải quyết các vấn đề như lao động cưỡng bức, còn không thì quan hệ hai bên vẫn sẽ tiếp tục xấu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm