Nhiều người nói rằng họ thích “ông Tây” này bởi chất “thật” của ông do ông hát “sống” chứ không nhép như nhiều nghệ sĩ vẫn điệu đà “diễn” trên sân khấu. Ông ngây ngô nhảy nhót cùng các em nhỏ xinh xinh làm sôi động sân khấu.
Một “ông Tây” hát tiếng Việt đã tạo chú ý nhưng lại hát về bóng đá trong đêm hội bóng đá thì càng tạo nhiều chú ý và thích thú lẫn cảm động. Trao đổi với chúng tôi khi nghe Kyo York cố phát âm tròn từng từ “Tôi yêu bóng đá”, một cổ động viên chia sẻ: “Yêu nổi không khi những nhà làm bóng đá có không ít người đang cố diễn theo kiểu “hát nhép” chứ không “thật” như “ông Tây” này!”.
“Ông Tây” Kyo York với bài Tôi yêu bóng đá rất mộc mạc cùng các em bé múa phụ họa thật dễ thương. Ảnh: P.HUY
Đúng là Gala Fair Play diễn ra trong lúc bóng đá Việt Nam đang quá lộn xộn và sai luật nhưng không vì thế mà những nhà tổ chức e ngại. Bởi rõ ràng là trong đêm hội Fair Play đấy, những người thay mặt cho nhiều tầng lớp, nhiều bộ phận đều lên án cái xấu, ủng hộ cái đẹp… Ngay cả người hâm mộ ở khắp nơi cũng thế. Và trong số đông đó không thể nào lại “thua” sự lừa lọc hay xấu xí có nguy cơ hủy hoại bóng đá Việt Nam.
Ở cực xấu xí, nói về sự “leo thang” mức độ sai phạm, rõ ràng cần phải đề cập rất nhiều. Từ vụ sáng tác thuật ngữ “liều lĩnh” để trốn án kỷ luật một cầu thủ qua vụ Samson đến sự cố trên sân Thống Nhất rồi phạm luật cơ cấu tổ chức chuyên nghiệp qua cuộc họp HĐQT của VFP mới đây…, rõ ràng là bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đang đi hết từ sai lầm này đến sai lầm khác.
“Ông Tây” Kyo York nghêu ngao “Tôi yêu bóng đá… ” như một lời nhắc nhở những người lầm đường hay cố tình lạc lối hãy trả lại đúng những gì mà nhạc sĩ Trần Tiến đã muốn thể hiện qua ca từ bài hát.
Lại tự hỏi bây giờ không biết nhạc sĩ Trần Tiến có còn theo dõi bóng đá Việt Nam nữa hay không. Và người hâm mộ chờ một tác phẩm mới về bóng đá Việt Nam.
Hy vọng những người làm xấu bóng đá sẽ thức tỉnh qua “thông điệp” của “ông Tây” yêu bóng đá.