Cựu quyền Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Sally Yates là quan chức cấp cao đầu tiên bị Tổng thống Donald Trump sa thải. Bà đã yêu cầu các nhân viên của Bộ Tư pháp không bảo vệ sắc lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump trước các tòa án liên bang, cho rằng đây là một sắc lệnh vi hiến. Hơn ba tháng sau khi bị ông Trump cho thôi chức, trong phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ ngày 9-5, “người cũ” Sally Yates công bố thêm thông tin về vụ bê bối cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn liên hệ với quan chức Nga, có thể gây thêm sóng gió cho tổng thống Mỹ.
Nguy cơ bị Nga “bắt thóp”
Trong phiên điều trần với Ủy ban Tư pháp của Thượng viện Mỹ rạng sáng 9-5 (giờ Việt Nam), bà Sally Yates xác nhận rằng trong thời gian tại chức đã thông báo với cố vấn pháp lý của Nhà Trắng Don McGahn rằng Michael Flynn có nguy cơ bị gây sức ép và ra yêu sách bởi chính phủ Nga. Bà Yates cho biết đã có đến hai cuộc gặp riêng với cố vấn pháp lý của Nhà Trắng để bàn luận về các mối lo ngại của Bộ Tư pháp về trường hợp ông Flynn.
Ông Flynn đã có các trao đổi không trung thực với Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence về thảo luận riêng của mình với Đại sứ Nga tại Washington Sergey Kislyak. Nhưng không chỉ Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và Bộ Tư pháp mà cả phía Nga cũng biết rõ về sự không trung thực này của ông Flynn. Điều này tạo ra một “điểm yếu” khiến ông Flynn “hiển nhiên có khả năng bị Nga đặt ra yêu sách” nếu như ông muốn ém nhẹm sai phạm của mình, bà Yates nhận định.
Cựu quyền bộ trưởng Tư pháp Mỹ cho biết ông Don McGahn từng hỏi ý kiến bà về việc nên sa thải Michael Flynn hay không. Tuy nhiên, bà đã đáp lại rằng đó là quyết định của Nhà Trắng và phía Bộ Tư pháp chỉ trình bày thông tin cùng mối lo ngại chứ không can dự. Khi được ủy ban chất vấn liệu hành động của ông Flynn có đủ nghiêm trọng đe dọa an ninh quốc gia và chính phủ Mỹ hay không, bà Yates nhận định một cố vấn an ninh quốc gia thì không thể bị để rơi vào tình thế bị phía chính phủ Nga “bắt thóp”.
Michael I. Flynn, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ tại Nhà Trắng, trước khi từ chức ngày 13-2. Ảnh: REUTERS
Vẫn cáo buộc Nga can thiệp bầu cử
Cùng tham gia phiên điều trần ngày 9-5 có cựu giám đốc tình báo quốc gia James Clapper, người có tham gia quá trình điều tra cáo buộc Nga can thiệp bầu cử tổng thống năm 2016 tại Mỹ. Ông Clapper xác nhận tình báo Anh là bên đầu tiên thông báo cho chính phủ Mỹ về các cuộc tiếp xúc giữa các quan chức Nga với một số cá nhân thuộc êkíp tranh cử của ông Trump. Các cơ quan tình báo khác của các nước châu Âu sau đó cung cấp thêm thông tin về các cuộc gặp gỡ giữa hai phía.
Ông Clapper giữ nguyên cáo buộc rằng phía Nga đã can thiệp bầu cử Mỹ. Cử tri Mỹ cần được thông tin về các chiến thuật can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử năm 2016 và cả trong tương lai, ông James Clapper cho biết. Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng Mỹ cần có nhiều biện pháp khác ngoài phương án cấm vận để trừng phạt Nga hoặc bất kỳ chính phủ nào khác có hành động can thiệp vào tiến trình bầu cử tại nước này.
Ông Obama từng cảnh báo về Michael Flynn Theo một số quan chức và cựu quan chức Mỹ tiết lộ với tờ The Washington Post, ngay cả cựu Tổng thống Barack Obama cũng từng đích thân cảnh báo ông Donald Trump đừng đưa Michael Flynn vào Nhà Trắng. Lời cảnh báo được ông Obama đưa ra vào ngày 10-11, tức hai ngày sau khi ông Trump đắc cử, trong cuộc gặp đầu tiên giữa hai người tại Nhà Trắng. Thư ký báo chí Nhà Trắng, ông Sean Spicer, ngày 9-5 cũng đã xác nhận về lời cảnh báo của ông Obama, hãng tin NBC News cho biết. Thế nhưng ông Spicer cho rằng việc ông Obama không thích ông Flynn là “không có gì bất ngờ” vì ông từng “công khai chỉ trích những thất bại của Tổng thống Obama”. ____________________________ Rõ ràng chúng ta không muốn cố vấn an ninh quốc gia lộ ra yếu điểm với phía Nga. Cựu quyền Bộ trưởng Tư pháp Mỹ SALLY YATES |