Hãng tin CNN cho biết, Tòa án tối cao Mỹ sẽ cho phép thực hiện sắc lệnh đối với những người có quốc tịch nước ngoài, nằm trong số sáu quốc gia có đại đa số dân cư theo Hồi giáo, không có “mối quan hệ trung thực và hợp pháp (bona fide) với bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào tại Mỹ”.
Tổng thống Trump gọi phán quyết của Tòa án tối cao là "một thắng lợi rõ rệt của an ninh quốc gia". Ảnh: GETTY
Tòa án để ngỏ việc thực thi sắc lệnh đối với những công dân nào thuộc sáu quốc gia trên đã có mối quan hệ với cá nhân hoặc tổ chức tại Mỹ. Đa số các đơn khiếu kiện chống sắc lệnh của Tổng thống Trump đều thuộc diện “được để ngỏ”, theo CNN.
Các điển hình trong diện này bao gồm học sinh-sinh viên đã được nhận vào các trường ĐH tại Mỹ, hoặc những ai đã được các công ty Mỹ tuyển dụng và bảo lãnh, tòa án cho biết.
Đây là lần đầu tiên tòa án cấp cao nhất của Mỹ can dự vào cuộc chiến pháp lý xoay quanh sắc lệnh nhiều tranh cãi của Tổng thống Trump. Tờ The New York Times nhận định, với phán quyết này chính phủ ông Trump đã giành được thắng lợi “một phần”, sau gần năm tháng bị các tòa án và công tố viên cấp bang lẫn liên bang gây khó dễ.
Sắc lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Trump bị nhiều chỉ trích là sắc lệnh kỳ thị người Hồi giáo. Ảnh: EPA
Ba thẩm phán tối cao có lập trường “bảo thủ” là Clarence Thomas, Samuel A. Alito Jr. và Neil M. Gorsuch đã bày tỏ sự phản đối với phán quyết cuối cùng của tòa. Những thẩm phán này cho rằng sắc lệnh đáng lẽ phải được khôi phục hoàn toàn. Ông Thomas lo ngại phán quyết của tòa sẽ gây khó khăn cho chính phủ thực thi vì khó phân biệt giữa các trường hợp được nhập cảnh và bị cấm.
Tổng thống Trump đã gọi phán quyết của Tòa án tối cao là “một thắng lợi rõ rệt cho an ninh quốc gia”. Ông khẳng định: “Với cương vị tổng thống, tôi không thể cho phép những kẻ nào muốn đe dọa chúng ta được phép bước chân vào đất nước. Tôi chỉ muốn (tiếp nhận) những ai yêu nước Mỹ và tất cả công dân của đất nước này, và những ai thật sự siêng năng và làm việc hiệu quả”.