Eric Schneiderman, Tổng chưởng lý New York cho biết đang xem xét sắc lệnh mới và sẵn sàng kiện sắc lệnh này.
“Mặc dù Nhà Trắng đã thay đổi lệnh cấm, ý đồ phân biệt đối xử với người Hồi giáo vẫn rất rõ ràng” - ông Schneiderman nói - “Điều này không chỉ có hại cho những gia đình rơi vào tình cảnh rối loạn do chính sách hà khắc của Tổng thống Trump gây nên - nó đi ngược lại hoàn toàn những giá trị đạo đức của chúng ta, không khiến chúng ta an toàn hơn chút nào”.
Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions khẳng định tính “hợp hiến” của sắc lệnh mới. Ảnh: Telegraph
Cùng lúc đó, Bộ An ninh Nội địa công khai tin FBI đang điều tra 300 người tị nạn để xem có liên hệ với Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) không. Đây là một phần trong 1.000 cuộc điều tra chống khủng bố liên quan tới IS và tra xét các cá nhân bị tổ chức này khích động, tờ The Telegraph dẫn nguồn tin trong quốc hội cho biết. Theo nhận định của Telegraph, tin tức này được tung ra để tăng cường sự ủng hộ cho lệnh cấm của ông Trump.
Theo lệnh cấm mới, tất cả người tị nạn đến Mỹ sẽ bị chặn lại trong vòng 120 ngày. Khác với văn bản trước, trong lệnh mới người tị nạn Syria không bị tách riêng ra và cấm nhập cư vĩnh viễn. Ngoài ra, công dân sáu nước sẽ bị cấm vào nước Mỹ kể từ ngày 16-3, trừ phi họ đã được cấp visa từ trước. Iraq đã được bỏ ra khỏi danh sách, chỉ còn Iran, Syria, Sudan, Somalia, Libya và Yemen.
Chính quyền ông Trump quyết tâm lần này đảm bảo cho sắc lệnh được triển khai trôi chảy. Ngoại trưởng Rex Tillerson đã thông qua một buổi họp báo ngày 6-3 để trấn an đồng minh của Mỹ rằng các biện pháp sẽ được tiến hành một cách “trật tự”. "Các đồng minh và đối tác trên thế giới, xin hãy hiểu rằng sắc lệnh này là một phần trong nỗ lực của chúng tôi nhằm loại trừ những chỗ yếu mà khủng bố Hồi giáo cực đoan có thể và sẽ lợi dụng nhằm mục đích phá hoại” - ông Tillerson tuyên bố.
Biểu tình phản đối sắc lệnh của Trump ngoài Nhà Trắng, Washington DC. Ảnh; REUTERS.
Jeff Sessions, Bộ trưởng tư pháp trình bày tính cần thiết của lệnh cấm, chỉ ra rằng “phần lớn những kẻ bị kết án vì các vi phạm liên quan đến khủng bố từ ngày 11-9 đều đến Mỹ từ nước ngoài”. Ông Sessions bổ sung rằng: “Bộ Tư pháp tin rằng sắc lệnh này cũng như sắc lệnh đầu tiên, là hợp hiến và thực hiện đúng quyền của tổng thống”.
Bob Ferguson, Tổng chưởng lý bang Washington - người từng phản đối thành công lệnh cấm nhập cư đầu tiên của ông Trump - nhận xét rằng Tổng thống “đã thôi theo đuổi các điều khoản mà vụ kiện của chúng tôi chặn lại”.
Những điều khoản đó bao gồm cấm những cư dân hợp pháp, người sở hữu visa và công dân hai quốc tịch vào nước Mỹ, cũng như những điểm phân biệt đối xử tôn giáo rõ ràng. Thế nhưng những người chỉ trích lệnh cấm nhập cư vẫn không hài lòng với cách viết mới. Tổ chức Ân xá quốc tế cho rằng nó “mù quáng và phản tác dụng”.