Ngày 16-8, sau khi hàng loạt tỉ phú trong hai hội đồng cố vấn kinh doanh cấp cao ra đi vì bất mãn cách Tổng thống Mỹ Donald Trump ứng xử với vụ xung đột sắc tộc ở thị trấn Charlottesville (Virginia) cuối tuần rồi, ông Trump lệnh giải tán luôn hai hội đồng này.
Trong vụ xung đột này, cô Heather Heyer, một nhà hoạt động chống phân biệt sắc tộc đã thiệt mạng vì bị một thanh niên lái xe tông thẳng vào. Ngày 14-8, ông Trump lên tiếng đổ lỗi bạo lực xảy ra không chỉ do bộ phận người da trắng cực đoan mà cả do các nhà hoạt động chống phân biệt sắc tộc gây ra.
Hai hội đồng ông Trump đề cập là Hội đồng Sản xuất Mỹ và Diễn đàn Chiến lược và Chính sách, được thành lập từ chính ý tưởng của ông Trump. Hội đồng Sản xuất có nhiệm vụ thúc đẩy tăng trưởng việc làm. Diễn đàn này có nhiệm vụ cố vấn cho ông Trump về ảnh hưởng chính sách chính phủ đến tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và năng suất.
Sau phát ngôn này của ông Trump đã có tám lãnh đạo trong hai tập đoàn từ chức. Những người này vốn là tỉ phú, tổng giám đốc của nhiều tập đoàn, công ty lớn của Mỹ.
“Thay vì tạo áp lực lên các nhà kinh doanh của Hội đồng Sản xuất và Diễn đàn Chiến lược và Chính sách, tôi sẽ kết thúc cả hai” - ông Trump viết trên Twitter.
Tổng thống Trump quyết định giải tán hai hội đồng cố vấn kinh doanh sau khi các tỉ phú bỏ đi. Ảnh: REUTERS
Thực tế hai hội đồng này đã bắt đầu xúc tiến giải tán cùng lúc ông Trump phát ngôn trên Twitter. Tỉ phú lãnh đạo Diễn đàn Chiến lược và Chính sách là Tổng Giám đốc Stephen Schwarzman của Tập đoàn Blackstone Group, một đồng minh thân thiết với ông Trump trong thế giới kinh doanh. Ông Schwarzman ngày 15-8 kêu gọi các thành viên cấp cao trong diễn đàn phản ứng với phát ngôn của ông Trump. Và đa số thành viên ủng hộ giải tán diễn đàn. Ông Schwarzman sau đó gọi cho ông Trump thông báo quyết định.
Ông Andrew Liveris, Tổng Giám đốc Công ty Dow Chemical Co, lãnh đạo Hội đồng Sản xuất Mỹ, cho biết đã thông báo với Nhà Trắng rằng hội đồng không thể hoạt động tiếp sau phát ngôn của ông Trump.
Tổng Giám đốc Stephen Schwarzman của Tập đoàn Blackstone Group. Ảnh: BUSINESS INSIDER
Phát ngôn của ông Trump khiến hàng loạt nghị sĩ cả Dân chủ lẫn Cộng hòa phản đối mạnh. Về phe Cộng hòa có lãnh đạo phe đa số Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell, Thống đốc bang Ohio John Kasich, nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham và hai cựu tổng thống Cộng hòa George H.W. Bush và George W. Bush. Cả Thủ tướng Anh Theresa May cũng lên tiếng phản đối.
Đây là sự bất lợi lớn vì ông Trump rất cần sự ủng hộ của các nghị sĩ Cộng hòa để thông qua các chính sách, luật quan trọng như cắt giảm thuế, cải cách y tế… Có thể nói với phát ngôn này, tình trạng bị cô lập của ông Trump thêm gia tăng.
Các quan chức quân đội Mỹ thường không can thiệp chính trị. Nhưng ngày 15-8 đã có hai quan chức quân đội cấp cao lên tiếng lo ngại, dù không đề cập trực tiếp ông Trump.
“Quân đội không dung dưỡng phân biệt sắc tộc, cực đoan, hay sự căm ghét trong hàng ngũ của mình. Điều này đi ngược các giá trị và mọi điều chúng ta bảo vệ từ năm 1775 đến nay” - Tổng Tham mưu quân đội Mark Milley viết trên Twitter.
Làn sóng bỏ đi vì phản đối phát ngôn của ông Trump có thể chưa dừng lại. Một cựu quan chức cấp cao chính phủ Trump nhận định có thể sẽ có thêm một số quan chức Nhà Trắng từ chức.
Đó có thể là cố vấn kinh tế Nhà Trắng Gary Cohn, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và không loại trừ cả Bộ trưởng Giao thông Elaine Chao. Theo cựu quan chức này, cả ba người này sẽ không muốn tiếp tục dính dáng đến ông Trump vì lo ngại uy tín mình bị ảnh hưởng.
“Ông ấy lo ngại uy tín bị mất mát, điều này quan trọng với ông ấy hơn bất cứ điều gì” - cựu quan chức này nói về cố vấn Cohn.
Làn sóng phản đối dù có mạnh thì ông Trump vẫn nhận được một số sự ủng hộ. Đó là từ Phó Tổng thống Mike Pence, ông David Duke - cựu lãnh đạo đảng 3K Ku Klux Klan đề cao người da trắng, lãnh đạo nhóm người da trắng cực đoan Richard Spencer.