Phải chữa ngay bệnh “sợ trách nhiệm”

Vẫn còn nhiều cán bộ nhũng nhiễu

Khi đi làm thủ tục khai thuế tại một chi cục thuế ở TP.HCM, tôi bị cán bộ thuế yêu cầu phải nộp bản sao y có chứng thực các loại giấy tờ như CMND, hộ khẩu, giấy chủ quyền… Tại sao họ không cho người dân nộp bản phôtô và mang bản chính đến đối chiếu như Chính phủ đã quy định? Có phải vì cán bộ sợ trách nhiệm cá nhân nên mới “làm vậy cho chắc ăn”? Chưa kể, một số cơ quan tuy có niêm yết công khai các thủ tục hành chính nhưng lại buộc dân nộp nhiều loại giấy tờ hơn.

Một thực tế nữa là khi đi khiếu nại quyết định hoặc hành vi hành chính của các cơ quan nhà nước, nhiều người rất khó khăn mới vượt qua được “bức tường” cán bộ tiếp dân và nhận đơn. Nhiều cán bộ bắt chỉnh sửa đơn tới lui rồi mới nhận, thậm chí có trường hợp sau khi sửa được đơn thì hết thời hiệu!

Phải chữa ngay bệnh “sợ trách nhiệm” ảnh 1

Góp ý trực tiếp thái độ công chức trong quy trình hành chính điện tử đem lại sự hài lòng của người dân khi làm thủ tục giấy tờ. Ảnh chụp tại UBND quận 1, TP.HCM. Ảnh: HTD

Theo tôi, để đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đề cao trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, các cơ quan cần công khai số điện thoại của lãnh đạo để người dân phản ánh khi phát hiện có hiện tượng nhũng nhiễu.

LÊ VĂN (Quận Thủ Đức, TP.HCM)

Chấm dứt việc đẩy khó cho dân

Ở một số cơ quan, cứ thấy việc gì khó là cán bộ lại đẩy sang cho dân. Khi làm thủ tục liên quan đến quyền sử dụng đất tại tỉnh nọ, tôi đã bị “hành là chính”.

Số là tôi có nhận chuyển nhượng một lô đất và khi đi làm thủ tục đăng bộ thì văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất buộc tôi phải làm thủ tục đo vẽ, cấp mới giấy đỏ trong khi tôi chỉ cần cập nhật thông tin trên giấy chứng nhận hiện tại.

Đáng nói là Thông tư 20/2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép cập nhật biến động vào trang 3 và 4 của giấy chứng nhận. Thậm chí Điều 7 thông tư này còn quy định rõ là cơ quan tiếp nhận hồ sơ không được yêu cầu người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất phải tự đo vẽ sơ đồ thửa đất, sơ đồ tài sản gắn liền với đất (trừ các trường hợp thay đổi vị trí, ranh giới, diện tích của tài sản gắn liền với đất…).

Quy định là vậy nhưng cán bộ vẫn buộc tôi làm theo yêu cầu của họ. Đã vậy, tôi còn bị buộc phải quay về UBND xã để xác định lại vị trí nhà, đất mặc dù nhà, đất tôi nằm ở mặt tiền đường và có tên trong bảng giá đất. Về lý thuyết, việc lập bản vẽ, điều chỉnh diện tích cho đúng với hiện trạng chỉ mất khoảng hơn hai tháng nhưng thực tế để hoàn tất công việc này phải mất hơn một năm.

Qua tìm hiểu, tôi được biết sở dĩ có những việc “hành hạ” nói trên là do trước đây chính quyền có cấp giấy chủ quyền nhà, đất cho người dân sai so với hiện trạng. Tại sao cơ quan nhà nước làm sai nhưng bắt người dân phải chịu hậu quả?

        TRẦN HẢI YẾN (Bình Dương)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm