Sáng 1-12, CLB Truyền thông - MC nhí kết hợp với Hãng luật A+ và Hội Quán các bà mẹ tổ chức chương trình “Biết cách xử với bạo lực học đường”.
Chương trình mang đến cơ hội để học sinh, phụ huynh giao lưu, chia sẻ về những câu chuyện “khó nói” trong môi trường học đường; giúp các em nhận biết rõ hơn về những hành vi và hậu quả của bạo lực học đường, đồng thời trang bị kỹ năng phòng tránh và cách xử lý hiệu quả.
Chương trình cũng hướng dẫn học sinh chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ từ gia đình, nhà trường và cộng đồng khi gặp tình huống bạo lực.
Nguyên nhân gây ra bạo lực học đường
Tại chương trình, luật sư (LS) Phùng Huyền, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH A+ cho biết pháp luật đã quy định cụ thể về bạo lực học đường.
Cụ thể, theo khoản 5 Điều 2 Nghị định 80/2017, bạo lực học đường là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của người học xảy ra trong cơ sở giáo dục hoặc lớp độc lập.
“Bạo lực học đường chia thành 4 loại, bao gồm: bạo lực thân thể, bạo lực tinh thần, bạo lực xã hội và bạo lực mạng” – LS Huyền thông tin.
Nói về nguyên nhân gây ra bạo lực học đường, LS Huyền chỉ ra cụ thể như sâu bên trong nội tại đứa trẻ bị thiếu hụt tình thương đã tìm cách xả giận lên người khác hoặc trẻ bị tác động bởi phim ảnh, sách báo, gia đình, môi trường sống,...
Qua đó, LS Huyền đề xuất phụ huynh cần đồng hành cùng con như một người bạn, hạn chế la mắng trẻ, cần lắng nghe và trò chuyện cùng trẻ nhiều hơn; kiên nhẫn để con tự nói điều con muốn; xem trẻ như người có thể tự chịu trách nhiệm một phần cho cuộc sống của mình...
Bên cạnh đó, nhà trường và xã hội cần tuyên truyền, đưa vào sách vở, giảng dạy để các em hiểu rõ về bạo lực học đường.
Cũng tại chương trình bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Hội trưởng Hội quán các bà mẹ đã chia sẻ những câu chuyện thực tế mà bà đã từng gặp và cách giúp các bậc phụ huynh tháo gỡ khi con mình bị bạo lực học đường.
Đồng quan điểm với LS Huyền, bà Thúy cũng cho rằng cha mẹ cần đồng hành cùng con để con hiểu rõ hơn về bạo lực học đường và cách ứng xử đúng.
Tác hại của bạo lực học đường
Theo LS Phùng Huyền, đầu tiên, người bắt nạt sẽ bị kỷ luật buộc thôi học, bồi thường thiệt hại hoặc bị xử lý hình sự, tuỳ tính chất mức độ.
Chưa kể, ngay khoảnh khắc làm người khác sợ, trong cơ thể trẻ đã sản sinh sự bất an; bất an hơn nữa là làm sao che dấu hành vi sai phạm của mình… Nếu không kịp thời điều chỉnh, đứa trẻ rất dễ sa ngã vào con đường phạm tội.
Thứ hai, người bị bắt nạt thì không chỉ dừng lại ở vài vết bầm, trầy xước mà còn khiến trẻ có tâm lý muốn vì nghĩ rằng mình không được yêu thương, nhen nhóm tâm lý tự ti, mặc cảm… Nếu không điều chỉnh kịp, trẻ sẽ nhút nhát, sống trong sợ hãi, lớn lên rất dễ trở thành nạn nhân trong mối quan hệ yêu đương, hay bị lừa, thao túng tâm lý, dắt mũi.
Biện pháp phòng ngừa bạo lực học đường
Tại Điều 6 Nghị định 80/2017 quy định biện pháp phòng ngừa bạo lực học đường như sau:
a) Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của người học, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong cơ sở giáo dục, gia đình người học và cộng đồng về mối nguy hiểm và hậu quả của bạo lực học đường; về trách nhiệm phát hiện, thông báo, tố giác hành vi bạo lực học đường; ngăn ngừa và can thiệp kịp thời đối với các hành vi bạo lực học đường phù hợp với khả năng của bản thân;
b) Giáo dục, trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng, chống xâm hại người học; phòng, chống bạo lực học đường; bạo lực trẻ em trên môi trường mạng cho người học, cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên của cơ sở giáo dục và gia đình người học; giáo dục, tư vấn kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ cho người học;
c) Công khai kế hoạch phòng, chống bạo lực học đường và các kênh tiếp nhận thông tin, tố giác về bạo lực học đường;
d) Tổ chức kiểm tra, giám sát, thu thập và xử lý thông tin liên quan đến bạo lực học đường;
đ) Thực hiện các phương pháp giáo dục tích cực, không bạo lực đối với người học.