Tiếp tục diễn đàn về “Xây dựng thương hiệu quốc gia trung thực”, dẹp bỏ lối làm ăn tham bát bỏ mâm, Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu ý kiến của các doanh nhân, hiệp hội doanh nghiệp (DN) và chuyên gia kinh tế.
Ông PHẠM ĐÌNH ĐOÀN, Tổng Giám đốc Tập đoàn Phú Thái:
Môi trường làm ăn thực sự bình đẳng
Trong việc xây dựng thương hiệu quốc gia trung thực, kiến tạo sự thịnh vượng, vai trò của Nhà nước và cộng đồng DN đều có trách nhiệm ngang nhau.
Với định hướng của Đại hội XII coi DNTN là động lực quan trọng của nền kinh tế, tôi cho rằng: Nhà nước cần tôn trọng và bảo đảm quyền tự do kinh doanh theo pháp luật, bảo hộ quyền sở hữu tài sản hợp pháp, tuân thủ các nguyên tắc và thông lệ quốc tế, đặc biệt là các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế.
Cùng đó, cần phải đẩy mạnh cải cách hành chính sửa đổi hệ thống văn bản không phù hợp, xây dựng bộ máy quản lý nhà nước trong sạch, nâng cao trình độ nắm và thi hành pháp luật của đội ngũ công chức quản lý nhà nước có liên quan trực tiếp đối với DNTN. Đảm bảo rằng: Nhà nước thực sự là chỗ dựa vững chắc, là người trợ giúp thật hiệu quả đối với DN.
Điều đặc biệt quan trọng, theo tôi là tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các DN, kể cả trong nội bộ các DNTN, chống việc hình thành các nhóm lợi ích từ chính trong các DNTN. Nhà nước dỡ bỏ mọi ưu đãi, thiên vị trong tiếp cận đất đai, tài nguyên quốc gia, tín dụng, cơ hội mua sắm công hoặc đối xử ưu ái trong việc chống độc quyền, trong nghĩa vụ thuế.
Chúng ta cần có những tiêu chí để phân loại, đánh giá những DN hoạt động tốt, tạo được nhiều công ăn việc làm, đóng nhiều thuế, có tầm nhìn dài hạn, chuyên nghiệp, tuân thủ pháp luật, minh bạch… Điều đó sẽ khiến các DN tăng cường liên kết với nhau, cống hiến hết mình vì một Việt Nam thịnh vượng.
Các DN cần được Nhà nước tạo môi trường kinh doanh thật sự bình đẳng. Trong ảnh: Làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại Sở KH&ĐT TP.HCM. Ảnh: HTD
Ông NGUYỄN VĂN ĐỆ, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam:
Đừng đối đãi với doanh nghiệp theo cảm tính
Mong muốn của bất cứ DN nào cũng là làm ăn trung thực, đóng góp vào sự thịnh vượng chung của xã hội, của đất nước.
Tôi cho rằng: Để các DN làm ăn đàng hoàng, trung thực thì việc thực thi pháp luật, chính sách, định hướng đúng đắn của Đảng, của Chính phủ phải được đặt lên hàng đầu. Thực tế trong thời gian qua, những định hướng của Đảng, nhất là tại Đại hội XII, những nghị quyết của Chính phủ như Nghị quyết 19, Nghị quyết 35… đã thổi một luồng gió mới vào cộng đồng DN.
Tuy vậy, những chính sách có tác dụng khuyến khích DN làm ăn chân chính, đàng hoàng ấy không phải lúc nào cũng được từng cán bộ, công chức thực hiện nghiêm minh. Ở đâu đó vẫn có những cán bộ, công chức thực hiện các thủ tục hành chính đối với DN theo cảm tính chứ chưa theo các quy định của pháp luật.
Đảng và Chính phủ đã lắng nghe tiếng nói DN nhiều hơn và thực hiện nhiều cải cách, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các DN. Nhiều thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh vô lý, không phù hợp pháp luật… đã được Chính phủ bãi bỏ. Nhưng điều cần thiết nhất là những tiếng nói của cộng đồng DN phải được từng cán bộ, công chức hành pháp lắng nghe trong tinh thần hợp tác, cầu thị.
Chỉ có như vậy thì sự trung thực trong kinh doanh mới được khuyến khích và trở thành giá trị cốt lõi của DN. Từ đó, DN thực sự phát triển vì lợi ích của đất nước, của người dân.
TS NGUYỄN MINH PHONG, chuyên gia kinh tế:
Tránh “treo đầu dê, bán thịt chó”
Để kiến tạo “thương hiệu quốc gia trung thực”, đối với Nhà nước, sự trung thực cần phải được coi là một yếu tố bao trùm trong các chính sách. Bất kể chính sách gì thì cũng cần đảm bảo tính chính xác, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong đó. Sự trung thực trong các chính sách cần được đảm bảo bằng quy chuẩn hóa. Điều này sẽ làm các quy trình, cơ chế kiểm tra hoạt động thông suốt và tạo thuận lợi cho người dân, DN. Việc quy chuẩn hóa cũng sẽ làm cho việc thông tin về các chính sách trở nên kịp thời, rõ ràng đối với những đối tượng tác động.
Về phía DN, sự trung thực cũng là điều rất cần thiết. Các DN cần tuân thủ việc công bố thông tin đầy đủ. Mặt khác, cần làm cho những tuyên bố về quản trị, chất lượng sản phẩm trung thực và phù hợp với những tiêu chuẩn của Việt Nam và quốc tế. Tránh tình trạng “treo đầu dê, bán thịt chó”.
Một trong những yếu tố quan trọng là cơ chế hậu mãi, trong đó có việc giải quyết thỏa đáng, hợp pháp các khiếu nại của người tiêu dùng để giữ được niềm tin nơi khách hàng. Bởi lẽ sai sót trong quá trình sản xuất, kinh doanh thì không thể tránh được nhưng không nên để những sai sót ấy là sự cố tình.