Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh như thế khi phát biểu tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 3 của Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa Việt Nam sáng 3-12.
Đi đôi với thông điệp đó, Thủ tướng cho hay bộ máy hành chính của Nhà nước quyết tâm đổi mới phương thức hoạt động với tinh thần là từng doanh nhân, DN và người dân là đối tượng phục vụ, được thụ hưởng thành tựu, kết quả do công cuộc đổi mới, cải cách mang lại.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Phải xóa bỏ ngay tình trạng quan hệ thân hữu đã bóp chết việc làm ăn chân chính”. Ảnh: C.LUẬN
Theo Thủ tướng, thời gian vừa qua chúng ta đã tích cực xây dựng chính phủ kiến tạo, liêm chính, phát triển, hành động quyết liệt, nói đi đôi với làm, phục vụ người dân và DN, thúc đẩy khởi nghiệp, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN phát triển. Thủ tướng cho rằng đó chính là động lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Sự tương tác, kiến tạo, phục vụ chính là nền tảng trong mối quan hệ giữa Chính phủ và DN. “Điều cần làm đầu tiên và quan trọng nhất là thay đổi tư duy, cách tiếp cận với một tinh thần mới, trên tinh thần đối thoại, lắng nghe DN”. Thủ tướng nói thế và cho biết sẽ đảm bảo công khai, minh bạch, xóa bỏ cơ chế xin-cho, lợi ích nhóm, tham nhũng, trục lợi.
Để thực hiện nhiệm vụ này, Thủ tướng cam kết sẽ tạo ra một môi trường bình đẳng, minh bạch cho các DN nhỏ và vừa với đầy đủ cơ hội phát triển và thành công.
Cùng với yêu cầu chính quyền các cấp từ trung ương đến địa phương, huyện, xã phải tạo mọi điều kiện cho các thành phần kinh tế, đặc biệt là DN nhỏ và vừa Việt Nam phát triển, Thủ tướng cũng đề nghị các DN, doanh nhân hãy nói không với tiêu cực, thực hiện kinh doanh với tinh thần liêm chính, không tiếp tay cho tiêu cực, nhũng nhiễu.
TS VŨ TIẾN LỘC, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: Hãy tìm kiếm lợi nhuận chân chính, khước từ sự bất minh Một chủ doanh nghiệp (DN) ngành dệt may từng than thở với tôi rằng: Vì kinh doanh khó khăn quá nên ban ngày phải làm kinh doanh, còn ban đêm phải đi… “quan hệ”. Dù đây là câu nói bông đùa, giải trí nhưng thực sự thì nó phản ánh đúng thực tế đang diễn ra trong môi trường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam rất nhiều năm nay. Các DN hiện không chỉ phải đối phó với rủi ro thiên tai, rủi ro thị trường mà còn phải đối phó với rủi ro thể chế với sự bất định của chính sách. Bên cạnh phải dành nguồn lực cho thị trường thì DN Việt Nam còn phải dành nguồn lực thiết lập, nuôi dưỡng các mối quan hệ. Và tôi phải nói thật, sức chịu đựng của DN Việt Nam là rất bền bỉ. Hiện nay Chính phủ đã quyết tâm kiến tạo một môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch và liêm chính. Điều này sẽ giúp DN có thể toàn tâm toàn ý dồn nguồn lực cho thương trường để vươn lên, bứt phá mạnh mẽ hơn nữa. DN hãy tập trung vào sáng tạo, tìm lợi nhuận chân chính, đảm bảo sự minh bạch, liêm chính thay vì tìm những mối quan hệ thân hữu để tìm kiếm lợi nhuận bất minh. Có như thế mới bắt kịp yêu cầu của giai đoạn mới. Ông TÔ HOÀI NAM, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam: Tìm cơ hội từ “quan hệ với chính quyền” thành xu hướng Dấu hiệu đáng suy nghĩ hiện nay là DN nào tiếp cận và quan hệ tốt với chính quyền sẽ có cơ hội tiếp cận tốt hơn các tài nguyên, đất đai và thể chế. Điều này làm cho các DN khác bị áp đảo, thiệt thòi. Và điều đáng lo ngại là nhiều DN đã đi theo xu hướng này. Hiệp hội DN nhỏ và vừa chúng tôi đã từng khảo sát và kết quả khảo sát cho thấy nhiều DN coi những mối quan hệ thân hữu với chính quyền và quan chức là “chuyện của người khác”, hoặc là “lộc” mà các DN khác được ban tặng. Tuy nhiên, không ít DN phản ứng lại những biểu hiện này và cho rằng các DN đi theo xu hướng trên chủ yếu là lo lót, chạy chọt… chứ bản thân họ chẳng có tài cán gì. Tôi nghĩ rằng các nhà hoạch định chính sách cần phải xem xét sự bức xúc này của cộng đồng DN để đánh giá những hành vi kinh doanh chỉ dựa vào quan hệ thân hữu và có giải pháp phù hợp. Đối với DN nhỏ và vừa, điều cần thiết nhất hiện nay là một chính sách tốt trong một môi trường bình đẳng, không lợi dụng các mối quan hệ để phát triển. Ông PHẠM ĐÌNH ĐOÀN, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái: Phải dỡ bỏ các ưu đãi mang tính thiên vị Tình trạng “thương mại hóa quan hệ với Nhà nước” với một số ưu đãi ngầm là đáng cảnh báo. Việc thương mại hóa quan hệ với Nhà nước sẽ khiến các lợi ích kinh tế của DN chỉ đạt được nhờ quan hệ “thân tín” với cơ quan công quyền chứ không phải dựa vào năng lực thực sự và nỗ lực của DN. Tình trạng này tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, không công bằng và làm chậm quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Bởi lẽ khi DN dựa vào quan hệ thân hữu với chính quyền hay quan chức thì ngoài chi phí chính thức, vốn đã lớn thì chi phí tiền bạc và thời gian không chính thức mà DN bỏ ra để duy trì quan hệ cũng lớn không kém. Nếu để quan hệ thân hữu tiếp tục phát triển, DN sẽ chỉ loanh quanh với sự ưu ái, nuông chiều từ phía chính quyền và quan chức coi DN như sân sau. Điều này thực sự làm thất thoát tài sản quốc gia, làm hư bộ máy công quyền và về lâu dài sẽ tổn hại tới động lực phát triển lành mạnh của cả nền kinh tế Việt Nam. Làm sao để khắc phục tình trạng quan hệ thân hữu đang kìm hãm, thậm chí bóp nghẹt sự phát triển của các DN chân chính? Theo tôi, chìa khóa để giải quyết bài toán quan hệ thân hữu là tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch và bình đẳng giữa các DN (kể cả trong nội bộ các DN tư nhân) và chống việc hình thành các nhóm lợi ích tiêu cực, phải dỡ bỏ mọi ưu đãi mang tính thiên vị trong tiếp cận đất đai, tài nguyên quốc gia, tín dụng, cơ hội mua sắm công hoặc việc chống độc quyền và ưu ái trong nghĩa vụ thuế... |