Ông Tuấn dẫn chứng một cuộc điều tra của VCCI cho thấy tỉ lệ tiếp cận nguồn vốn ngân hàng của DN tư nhân chỉ chiếm khoảng 30%, trong khi các DN khác lên tới 70%. Điều đó chứng tỏ Nhà nước vẫn đang dành nhiều ưu đãi cho các “ông lớn”, thay vì tạo cơ hội công bằng cho tất cả DN.
“Do vậy chúng tôi cho rằng phải tháo gỡ các cản trở mà DN tư nhân đang gặp phải để họ có cơ hội kinh doanh và có lãi. Đặc biệt để các DN này hoạt động hiệu quả thì cơ quan quản lý cần đảm bảo quyền kinh doanh công bằng. Bởi hiện tại có không ít chính sách ban hành thường chỉ dành ưu tiên cho các ông lớn mà các DN nhỏ khó tiếp cận. Trong khi nếu không có các DN nhỏ thì làm sao có các ông lớn. Nếu cứ tập trung vào công ty lớn thì tạo sức ép lên DN nhỏ. Đồng thời, các ông lớn cũng không thấy có áp lực cạnh tranh nên họ không có động lực thay đổi” - ông Tuấn nhấn mạnh.
Tuy vậy, ông Tuấn cho rằng các công ty lớn cũng đang gặp phải nhiều bất lợi về thủ tục hành chính mà Nhà nước cần gỡ bỏ. Ông Tuấn nói: “Dường như DN càng lớn thì thủ tục hành chính càng nhiều. Các điều tra gần đây đã chỉ ra các công ty lớn phải đón đoàn thanh tra, kiểm tra càng nhiều bởi xu hướng các cơ quan hành pháp cứ nghĩ những DN lớn sẽ có nhiều sai phạm. Điều này sẽ làm nhiều DN không muốn phát triển thành DN lớn”.
Ở góc độ khác, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng, đánh giá giữa ngân hàng và DN vẫn chưa gặp nhau trong vấn đề tài chính. Việc tiếp cận vốn đang là bức xúc của DN và đây là một điểm nghẽn trong quá trình phát triển.
“Nhưng chi phí không chính thức mới là trở ngại lớn nhất đối với DN. Thậm chí chi phí không chính thức có khi chiếm tới 12% trong chi phí của DN, kể cả trong khâu giao dịch ngân hàng, khâu đất đai…” - ông Lực thẳng thắn.