Bộ Công thương đã gửi Bộ Tư pháp hồ sơ thẩm định dự thảo Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 98/2020/NĐ-CP: Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD).
Chưa có quy định xử phạt vi phạm hành chính bán hàng lậu trên mạng xã hội
Theo Bộ Công thương, sau hơn ba năm thi hành Nghị định 98/2020/NĐ-CP vẫn tồn tại bất cập.
Cụ thể, điểm đ khoản 7, Điều 3 quy định hàng giả gồm “hàng hóa có nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa”.
Thực tế nhiều trường hợp đã phát hiện thông tin về xuất xứ hàng hóa thể hiện trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa khác với chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
Đơn cử như một số vụ việc hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, nội dung trên tờ khai hải quan thể hiện xuất xứ Trung Quốc, hồ sơ hải quan có giấy chứng nhận xuất xứ do cơ quan có thẩm quyền của Trung Quốc cấp (C/O mẫu E). Trong khi kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa phát hiện trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa thể hiện xuất xứ Việt Nam, Đức, Hàn Quốc, Thụy Điển...
Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định cụ thể về cách xác định “hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa”. Vì vậy, cơ quan quan Hải quan gặp khó khăn trong việc xác định và chứng minh hành vi vi phạm của doanh nghiệp nhập khẩu.
Bên cạnh đó, hiện nay chưa có quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hoạt động kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng nhập lậu trên internet, các nền tảng mạng xã hội.
Một số hành vi vi phạm quy định về quản lý nhà nước cần được bổ sung như: hành vi vi phạm chế độ báo cáo trong kinh doanh tạm nhập, tái xuất, kinh doanh xuất khẩu gạo.
Vi phạm về duy trì mức lưu trữ lưu thông tối thiểu trong kinh doanh xuất khẩu gạo….
Phạt tiền từ 300-500 triệu đồng kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc
Theo Bộ Công thương, để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại, bảo vệ quyền lợi NTD, việc sửa đổi bổ sung hoàn thiện các quy định có liên quan là cần thiết.
Theo đó dự thảo Nghị định quy định phạt cảnh báo hoặc phạt tiền từ 300-500 triệu đồng đối với một trong các hành vi, trường hợp trị giá hàng hóa vi phạm dưới một triệu đồng: Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Mua bán vận chuyển tàng trữ, tiêu thụ khoáng sản không rõ nguồn nguồn gốc hợp pháp…
Dự thảo Nghị định bổ sung quy định phạt từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện chế độ báo cáo hoặc thực hiện không đúng, hoặc không đầy đủ chế độ báo cáo trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định.
Phạt từ 20-40 triệu đồng đối với hành vi không duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu hoặc duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu dưới 5% số lượng gạo mà thương nhân đã xuất khẩu trong sáu tháng trước đó.
Về cung cấp dịch vụ thương mại điện tử (TMĐT), dự thảo Nghị định quy định phạt từ 10-20 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Không cung cấp thông tin trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm tiếp nhận yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về các đối tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi cung cấp dịch vụ sàn giao dịch TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến.
Không thực hiện trách nhiệm đại diện cho người bán nước ngoài trên sàn giao dịch TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến. Không giải quyết các khiếu nại của NTD liên quan đến hàng hóa, dịch vụ do thương nhân nước ngoài cung cấp.
Không thực hiện trách nhiệm thông báo nghĩa vụ thuế cho người bán nước ngoài tham gia sàn giao dịch TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến.
Bên cạnh đó, theo dự thảo Nghị định, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại (TTTM) bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Không ban hành nội quy hoạt động hoặc ban hành nội quy hoạt động nhưng thể hiện không đầy đủ các nội dung theo quy định.
Không tiến hành hòa giải tranh chấp giữa NTD và người bán hàng trong phạm vi chợ, TTTM khi được yêu cầu.
Không đặt hoặc không duy trì hoạt động cân đối chứng, thiết bị đo lường tại các chợ, TTTM để NTD tự kiểm tra số lượng, khối lượng hàng hóa theo quy định.
Không giám sát thường xuyên chất lượng, số lượng hàng hóa, cân đối chứng, thiết bị đo lường trong khu vực chợ, TTTM…
Phạt 20-40 triệu đồng dụ dỗ mua chuộc người tham gia bán hàng đa cấp
Dự thảo Nghị định quy định phạt tiền từ 20-40 triệu đồng đối với người tham gia bán hàng đa cấp vi phạm: Lôi kéo dụ dỗ mua chuộc người tham gia bán hàng đa cấp của DN khác tham gia vào mạng lưới của DN mà mình đang tham gia.
Yêu cầu người khác phải đặt cọc hoặc nộp một khoản tiền nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp…
Phạt từ 160-200 triệu đồng đối với DN đa cấp vi phạm: Yêu cầu người khác phải mua một số lượng hàng hóa nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp.
Cho người tham gia bán hàng đa cấp nhận tiền hoặc lợi ích kinh tế khác từ việc giới thiệu người khác tham gia bán hàng đa cấp mà không phải từ việc mua bán hàng hóa của người được giới thiệu đó…