Siêu thị thi nhau tung khuyến mãi, giảm giá hàng Tết

(PLO)- Tết Giáp Thìn đang đến rất gần, nhưng khác với mọi năm, thị trường hàng Tết năm nay khá trầm lắng, dường như do người dân thắt chặt chi tiêu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chỉ còn khoảng 3 tuần nữa là đến Tết Giáp Thìn, tại các siêu thị, chợ truyền thống, cửa hàng... đang bày bán rất nhiều mặt hàng Tết. Mọi năm, đây sẽ dịp người dân mạnh tay chi tiêu và giá cả có thể cao hơn bình thường. Nhưng khảo sát những ngày trước rằm tháng chạp này, thị trường vẫn khá trầm lắng.

Mặt hàng đa dạng, khuyến mãi giá nhiều...

Tại siêu thị BRG Mart Phạm Ngọc Thạch, quận Đống Đa, Hà Nội, khu vực bày bán hàng Tết được trang trí bắt mắt với đầy đủ bánh kẹo, túi quà tết các loại cùng thông báo khuyến mãi “Hàng Tết mua 1 tặng 1”, “Không lo về giá”.

Các thương hiệu bán lẻ lớn như Co.opmart, GO!, BigC, Lotte Mart, Aeon… cũng vậy. Nhiều chương trình khuyến mãi lên đến 50% được triển khai cho hàng ngàn mặt hàng thiết yếu từ nay đến Tết.

Tết
Nhiều mặt hàng Tết được trưng bày bắt mắt tại siêu thị với nhiều chương trình khuyến mại nhưng vẫn chưa nhiều người mua. Ảnh: Minh Trúc

Tuy nhiên, trái với không khí rộn ràng mọi năm, đến thời điểm hiện tại, lượng người mua sắm hàng Tết vẫn còn lác đác.

Chị Minh Phương ở phố Ngọc Khánh chia sẻ, do thu nhập của hai vợ chồng đều giảm nên việc mua sắm cuối năm cũng phải cân nhắc kỹ. Gia đình dự kiến chỉ chi khoảng 10 triệu đồng cho dịp Tết năm nay, thấp hơn gần một nửa so với năm ngoái, tập trung vào những món hàng không thể thiếu như bánh kẹo, thực phẩm mặn, hoa quả...

hàng tết 1.jpeg
Do kinh tế khó khăn, thu nhập giảm, người dân cân nhắc khi lựa chọn mua hàng Tết. Ảnh minh hoạ: Minh Trúc

Còn chị Quỳnh Anh, ở quận Hoàn Kiếm, cho hay, năm nay kinh tế khó khăn, cơ quan thông báo sẽ cắt giảm thưởng Tết, nên chị chờ phát thưởng chính thức mới đi mua sắm. "Lựa túi tiền, chi tiêu vừa đủ, tránh việc phung phí, khó kiểm soát", chị Quỳnh Anh nói.

Ông Nguyễn Anh Đức - Chủ tịch Hiệp hội các Nhà bán lẻ Việt Nam cho hay, dịp Tết năm nay, do thu nhập eo hẹp, người tiêu dùng có xu hướng chi tiêu tiết kiệm. Các đơn vị thương mại vì vậy đều chuyển hướng chuẩn bị hàng Tết vào những sản phẩm vừa túi tiền, không quá cầu kỳ, mang tính ứng dụng cao.

“Trước đây, người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm mang tính khác biệt, thì bây giờ, họ ưu tiên những gì thiết thực cho cuộc sống hàng ngày”, ông Đức nói.

Nỗ lực bình ổn giá, kích cầu tiêu dùng

Theo Bộ Công Thương, sức mua hàng dịp Tết Nguyên đán 2024 này có thể tăng trên 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù vậy khó có thể xảy ra biến động mạnh về giá.

Đến thời điểm hiện tại, các địa phương như Hà Nội, TP HCM, Đồng Nai, Ninh Thuận... đều đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường trong những tháng cuối năm và dịp Tết.

Trong đó, địa phương đã định hướng cho các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh phân phối hàng hóa trên địa bàn chủ động chuẩn bị nguồn hàng để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân; tổ chức các điểm bán hàng cố định, lưu động kết hợp chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, chương trình bình ổn thị trường để đưa hàng hóa đến tay người dân với giá cả ổn định.

hàng tết.jpeg
Nguồn cung hàng hoá dồi dào và đã được chuẩn bị trước trong bối cảnh sức mua yếu nên hàng Tết năm nay khó có biến động lớn về giá. Ảnh minh hoạ: Minh Trúc

Các doanh nghiệp đã chủ động chuẩn bị nguồn cung những mặt hàng thiết yếu từ rất sớm với lượng hàng dự trữ tăng 10-20% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều doanh nghiệp đã có kế hoạch triển khai các chương trình khuyến mãi, giảm giá nhiều sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, nhất là trong tháng cận Tết.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng phối hợp với các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và những địa phương khác để có được nguồn cung hàng hóa rẻ hơn so với thị trường 5-10%.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm