Đánh thuế đồ uống có đường: Cần cân nhắc!

(PLO)- Việc Bộ Tài chính đề xuất bổ sung “đồ uống có đường” vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt đang gây phản ứng mạnh mẽ trong cộng đồng doanh nghiệp và chuyên gia.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Việc Bộ Tài chính đề xuất bổ sung “đồ uống có đường” vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt đang gây phản ứng mạnh mẽ trong cộng đồng doanh nghiệp và chuyên gia. Bởi nếu được áp dụng thì ngay cả những mặt hàng bình dân cũng bị đánh thuế đặc biệt.

Thật ra, không phải đến bây giờ cơ quan đề xuất chính sách thuế mới đề nghị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với đồ uống có đường. Mấy năm trước, đề xuất này đã được nêu ra và sau đó do có ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp nên sắc thuế này dừng lại.

Hiện, trong tờ trình sửa đổi Luật Thuế TTĐB, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất đánh thuế đồ uống có đường. Lý do được đưa ra là vì Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo đồ uống có đường gây ra thừa cân, béo phì, tiểu đường, tim mạch, chưa kể những bệnh về răng, miệng. Đồ uống có đường còn gây thiệt hại kinh tế ở những nước có thu nhập thấp và trung bình. ASEAN đã có 6/10 nước đánh thuế đồ uống có đường.

Ở chiều ngược lại, cộng đồng doanh nghiệp cũng đang lên tiếng đề nghị cân nhắc sắc thuế này. Bởi “đồ uống có đường” quét quá rộng, đến cả những sản phẩm có đường rất tốt cho sức khỏe và sự trưởng thành của trẻ em cũng bị đề nghị đánh thuế TTĐB. Đáng lo ngại hơn, khái niệm đồ uống có đường có thể hiểu là tất cả sản phẩm dùng để uống và có đường, bao gồm cả mặt hàng rất thiết yếu, được dùng hằng ngày ở mọi gia đình chứ không phải là hàng xa xỉ.

Thậm chí, cộng đồng doanh nghiệp còn dẫn ra các số liệu cho thấy: Đánh thuế TTĐB đồ uống có đường có thể thu thêm được tiền cho ngân sách nhưng lại tác động tiêu cực đến kinh tế và gây khó cho doanh nghiệp phục hồi sau dịch COVID-19.

Bên nào cũng đưa ra lý lẽ của mình. Mà khổ nỗi hình như cả Bộ Tài chính và cộng đồng doanh nghiệp đồ uống đều có lý. Bên nào cũng có cơ sở khoa học, xã hội, thậm chí là thông lệ quốc tế.

Vậy thì có thể sẽ phải có đối thoại để mỗi bên đều được lên tiếng một cách công bằng. Rồi sau đó, chính Quốc hội sẽ đóng vai “tài phán” để quyết rằng có nên thu thuế TTĐB đồ uống có đường hay không.

Còn về mặt quản trị thuế mà nói, có thể phương châm “khoan sức dân” vẫn chưa bao giờ là cũ. Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời còn dặn dò: “Thu thuế phải thu được lòng dân”. Nếu dân, mà cụ thể ở đây là cộng đồng doanh nghiệp, vẫn còn có băn khoăn thì việc đối thoại, giải trình, tiếp thu là cần thiết.

Rất có thể chưa điều chỉnh sắc thuế TTĐB sẽ là biện pháp “nuôi dưỡng nguồn thu” như phương châm của ngành thuế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm