Theo phóng viên của NBC News, bốn quan chức quốc phòng Nga đã được nhìn thấy tại sân bay Bình Nhưỡng hôm qua, trong đó có Phó giám đốc Trung tâm Chỉ huy Quốc phòng Quốc gia Nga, ông Victor Kalganov. Nội dung của chuyến thăm này hiện vẫn chưa được công bố.
Tuy nhiên, cùng thời điểm diễn ra chuyến thăm, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố rằng Moscow đang sử dụng “tất cả cơ hội để đối thoại trực tiếp” với Bình Nhưỡng và sẽ tiếp tục làm như vậy với sự trợ giúp của Bộ Quốc phòng nước này. "Triều Tiên là nước láng giềng của chúng ta, chúng ta phải phát triển quan hệ với đất nước này"- Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov phát biểu trong một cuộc họp báo hôm qua.
Phái đoàn của Bộ Quốc phòng Nga lúc đến Bình Nhưỡng, bức ảnh do Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đăng tải ngày 13-12. Ảnh: KCNA.
Phái đoàn quân sự Nga tới Bình Nhưỡng để "khởi động" cơ chế giải quyết cuộc khủng hoảng trong khu vực, Phó Chủ tịch Hội đồng Công cộng thuộc Bộ Quốc Phòng Nga Aleksandr Kanshin nói với hãng tin Interfax. "Mục đích của các nỗ lực quân sự, chính trị và ngoại giao rất rõ ràng: Đưa tất cả các bên quay lại bàn đàm phán, dẹp bỏ những lời lẽ khiêu khích, đe dọa quân sự và phô diễn lực lượng”- quan chức này cho biết. Ông Kanshin cũng nhấn mạnh nhiệm vụ này là một phần trong lộ trình hạ nhiệt căng thẳng hạt nhân thông qua đối thoại mà Nga và Trung Quốc đều đồng thuận.
Moscow từng nhiều lần khẳng định chỉ có nỗ lực ngoại giao mới có thể giải quyết cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên. Sau chuyến thăm Bình Nhưỡng gần đây của các nghị sĩ Nga, phái đoàn này cho biết Bình Nhưỡng sẽ sẵn sàng đàm phán nếu được công nhận là một cường quốc hạt nhân. Giới chức Nga cũng cho biết Triều Tiên có thể ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ cùng với sự tham gia của Nga như một bên thứ ba.
Chuyến thăm của giới chức quân sự Nga diễn ra trong bối cảnh Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hôm 12-12 bất ngờ tuyên bố Mỹ muốn đàm phán trực tiếp vô điều kiện và vào bất cứ lúc nào Triều Tiên muốn. Ông Tillerson nói đàm phán vô điều kiện là một ý tưởng thực tế và tin Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng cùng suy nghĩ.
Tuy nhiên, ý tưởng đàm phán này bị Nhà Trắng bác bỏ, Reuters dẫn thông tin từ một quan chức Nhà Trắng ngày 13-12 cho biết. Theo vị quan chức này, giờ chưa phải là lúc Mỹ đàm phán với Triều Tiên và cuộc đàm phán chỉ có thể diễn ra một khi Triều Tiên cải thiện thái độ.