Phải quy trách nhiệm khi để VN thành ‘rác công nghệ’

ĐB Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình) dẫn chứng việc nhập công nghệ lạc hậu trong hàng loạt lĩnh vực như sản xuất xi măng, mía đường, nhiệt điện chạy than, sản xuất thép, giấy. “Tình trạng này không những làm cho năng suất lao động nước ta yếu kém mà gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng” - ông Tuấn nói và đề xuất quy định danh mục công nghệ không được đưa vào Việt Nam.

Đồng tình, ĐB Ngô Đức Mạnh (Bình Thuận) nhận xét nhiều quy định trong dự luật còn rất chung chung, đặc biệt là thiếu quy định về công cụ, biện pháp... để giám sát chặt chẽ, ngăn cản công nghệ lạc hậu vào Việt Nam. Theo ĐB Mạnh, sự thẩm định không tốt ở nhiều dự án đã khiến chúng ta phải chi hàng ngàn tỉ đồng để xử lý hệ lụy. “Đề nghị có quy định để ràng buộc trách nhiệm, cụ thể là trách nhiệm của Bộ KH&CN, của hội đồng thẩm định trong trường hợp anh đã hoàn tất các thủ tục nhưng sau lại phát hiện ra công nghệ ấy không đáp ứng được yêu cầu” - ông Mạnh nói.

ĐB tỉnh Bình Thuận sau đó cũng cảnh báo với các điều kiện ràng buộc khi vay vốn ODA hay các hình thức vay ưu đãi khác, nhiều khi chúng ta đồng thời phải chấp nhận những công nghệ lạc hậu, kém hiệu quả.

Tương tự, ĐB Huỳnh Thành Đạt (TP.HCM) đề cập tới hiện tượng chuyển giá thông qua chuyển giao công nghệ đang diễn ra khá nhiều, khó kiểm soát. Theo đó, các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài thường diễn ra hình thức chuyển giao công nghệ thông qua góp vốn đầu tư giữa công ty mẹ ở nước ngoài với công ty ở trong nước. Khi góp vốn bằng công nghệ, công ty mẹ thường kê khai giá trị công nghệ cao hơn nhiều so với giá trị thực. Công ty con chuyển giá trị đó về công ty mẹ dưới hình thức khấu hao, tạo ra hiện tượng “lỗ giả, lãi thật” để không đóng thuế thu nhập doanh nghiệp.

“Cần phải thực hiện kiểm toán giá chuyển giao công nghệ giữa các bên liên quan” - ông Đạt nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm