Theo hồ sơ, phía nguyên đơn trình bày: Năm 2002, bà P. có làm giấy cho ông V. mượn 170 lượng vàng. Ông V. cam kết trả lại sau ba năm, nếu không trả sẽ giao căn nhà ở quận 8 cho bà V. Sau đó, từ Thụy Sĩ, bà P. chuyển về 10.964 USD, tương đương 29 lượng vàng qua tài khoản của vợ cũ ông V. Đối với số vàng còn lại, khi về Việt Nam bà P. đã giao đủ. Sau khi lấy tiền, ông V. giao toàn bộ giấy tờ nhà cho bà P. Đến năm 2005 hai bên ký lại giấy nợ, có chữ ký của hai người là vợ cũ và chị ông V. Đến nay, do ông V. không trả nợ nên bà P. khởi kiện đòi nợ.
Ngược lại, ông V. cho rằng: Ông không mượn nợ mà bán căn nhà giá 400 triệu đồng cho người bà con là cha của bà P. (nay đã mất) vào năm 2002. Vì cha bà P. là người nước ngoài nên hai bên không đi công chứng việc mua bán nhà được. Để làm tin, cha của bà P. kêu ông làm giấy mượn nợ của con ông là bà P...
Sơ thẩm, TAND TP.HCM nhận định lời trình bày bán nhà của phía bị đơn không được phía nguyên đơn thừa nhận. Giấy bán nhà (do bị đơn cung cấp) và giấy mượn nợ không liên quan với nhau. Văn bản này không là một phần của văn bản kia vì khác chủ thể và khác mối quan hệ. Khi ký giấy mượn nợ, ông V. không bị lừa dối hay bị ép ký. Các nhân chứng đều là người thân thích của ông nên lời khai của họ không đáng tin tưởng. Từ đó, tòa không chấp nhận yêu cầu của bà P. về việc được sở hữu căn nhà của ông V., đồng thời buộc ông V. trả thêm sao cho đủ 170 lượng vàng đã mượn. Tòa cũng bác yêu cầu phản tố của ông V. đòi bà P. thanh toán 120 triệu đồng.
HOÀNG YẾN