Ngày 30-9, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo với chủ đề “Tự chủ đại học – cơ hội và thách thức” do Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phối hợp cùng Hội đồng Quốc gia giáo dục và Phát triển nhân lực đồng tổ chức.
Hiện nay vấn đề tự chủ đại học được cho là bước đột phá cần thiết, là biện pháp chủ đạo để tháo gỡ khó khăn nhằm phát triển mạnh mẽ giáo dục đại học Việt Nam.
Phát biểu tại buổi Hội thảo, Phó Thủ tướng Chính Phủ Vũ Đức Đam khẳng định: “Xét về xu thế thế giới và thực trạng hiện nay, chúng ta cần đổi mới cân bằng và toàn diện”.
Phó Thủ tướng thẳng thắn cho rằng nền giáo dục nước ta còn nhiều vấn đề, trong đó đặc biệt là giáo dục nghề nghiệp. Bằng chứng là số lượng cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ ra trường không có việc làm. Đương nhiên điều đó còn phụ thuộc vào tình hình kinh tế - xã hội chứ không phụ thuộc vào chất lượng giáo dục…
Theo Phó Thủ tướng, việc đổi mới đại học không chỉ đòi hỏi sự cân bằng, toàn diện mà cần hết sức mạnh mẽ.
Tự chủ đại học có 3 nội dung đó là: Tự chủ về chuyên môn, dạy học, nghiên cứu. Các trường đại học được tự chủ gần đây thậm chí có nhiều quyền hơn hai ĐH quốc gia khi mới được trao quyền.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi hội thảo.
Nhiều trường lo ngại nếu chúng ta tiến hành tự chủ thì không còn vốn ngân sách. “Tôi khẳng định lại với lãnh đạo các trường tự chủ đại học không có nghĩa là nhà nước không tiếp tục đầu tư cho giáo dục đại học. Chỉ có điều chúng ta phải thay đổi cách đầu tư. Vừa qua, khi bắt đầu triển khai tự chủ đại học, không phải tất cả 14 trường đều tự nguyện xin tự chủ vì việc này kéo theo nhiều lo ngại”, ông Đam nói.
Toàn cảnh hội thảo.
Bên cạnh đó, xã hội e ngại rằng khi tự chủ thì trường có quy định ở mức cao… Chúng ta không thể giữ mức thấp hoàn toàn. Điều quan trọng của chúng ta là nâng chất lượng giáo dục đại học lên và những người có khả năng chi trả kinh phí cao lên thì chúng ta dùng phần đấy cộng với phần ngân sách nhà nước để hỗ trợ cho học sinh nghèo, con em nông dân, con em gia đình chính sách có cơ hội tiếp cận giáo dục đại học.
Ngoài ra, các trường nâng học bổng thì cần có thêm suất học bổng dành cho sinh viên nghèo. Về nguồn vốn ngân sách, nhà nước sẽ xem xét trong khả năng có thể tiếp tục giúp các trường hoặc hỗ trợ lãi suất.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, phải từng bước tiến tới xóa bỏ cơ chế Bộ chủ quản để đảm bảo cho Hội đồng trường hoạt động hiệu quả. Khi trao cơ chế tự chủ cho trường đại học hoàn toàn không đồng nhất với cơ chế phân quyền trách nhiệm giám sát trường đại học từ trung ương cho các tỉnh, thành phố và địa phương.