Hội nghị lần thứ 10 Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chiều 4-10 dành một thời lượng đáng kể để thảo luật về dự luật Tín ngưỡng, Tôn giáo.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho hay: dự thảo Luật đã bổ sung tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các cơ quan, tổ chức nên đã đáp ứng được cơ bản mục đích yêu cầu đề ra của việc xây dựng luật, có nhiều tiến bộ hơn so với những dự thảo trước.
Hội nghị lần thứ 10 của Đoàn Chủ tịch Ủy Trung ương MTTQ Việt Nam đề cập đến nhiều vấn đề quan trọng. Ảnh: CHÂN LUẬN
“Dự thảo không chỉ đặt vấn đề theo hay không theo tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người mà còn quy định việc tự do thay đổi tôn giáo. Quyền tự do tôn giáo của người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành hình phạt tù, đang chờ thi hành án tử hình, người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cai nghiện bắt buộc cũng được quy định.
Đặc biệt, dự luật cũng quy định các tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc được quyền tham gia vào các hoạt động giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện nhân đạo” - bà Trương Thị Ngọc Ánh thông tin.
GS Đỗ Quang Hưng, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về tôn giáo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. cho rằng: Việc Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị 16 nội dung, trong đó có quy định trách nhiệm của Nhà nước bảo đảm quyền tự do, tín ngưỡng tôn giáo, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, những điều giảm bớt sự can thiệp không cần thiết vào nội bộ các tôn giáo… là phù hợp.
GS Đỗ Quang Hưng đề nghị để các tổ chức tôn giáo có địa vị pháp lý nhất định trong giáo dục. Ảnh: CHÂN LUẬN
GS Đỗ Quang Hưng cũng đề nghị cần phải có một quan điểm lớn để các tổ chức tôn giáo có địa vị pháp lý nhất định tham gia trong giáo dục, kể cả ở bậc ĐH và chuyển việc quản lý tín ngưỡng về Bộ VH-TT&DL.
Đồng tình, GS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về dân chủ và pháp luật, cho rằng: Cần có một cơ quan quản lý Nhà nước, một bộ chịu trách nhiệm chủ yếu về tín ngưỡng, tôn giáo.
“Nên chăng Bộ VH-TT&DL chịu trách nhiệm chính trong quản lý tín ngưỡng, tôn giáo” - GS Trần Ngọc Đường gợi ý.
Ông Lê Truyền - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam thì cho rằng: Quản lý Nhà nước về tôn giáo đã xử lý rõ hơn, mềm mại hơn, giảm bớt can thiệp sâu vào nội bộ các tôn giáo, đã phát huy bản sắc văn hóa, đạo đức các tôn giáo.
“Nên nhìn nhận tín ngưỡng tôn giáo ở khía cạnh văn hóa, quản lý Nhà nước bằng văn hóa chứ không phải ở khía cạnh quốc phòng an ninh. Nên đưa tín ngưỡng, tôn giáo về văn hóa quản lý” - ông Truyền đề nghị.