Phân loại và xử lý rác thải độc hại trong gia đình

Theo ThS Đỗ Hoàng Oanh (Sở TN&MT TP.HCM), ở TP.HCM mỗi hộ dân có bốn người và thải ra trung bình 2,4 kg rác/ngày, tức mỗi năm một hộ dân thải ra 0,87 tấn rác. Phần lớn lượng rác này được vận chuyển và chôn lấp hoặc đốt trong lò đốt rác. Cả hai hình thức này đều ít nhiều gây hại cho môi trường.

Phân loại rác tại nhà

Những chất hữu cơ như vỏ khoai, rau úa, thực phẩm thừa, lá trà… có thể chất thành đống trong vườn để chuyển thành phân vi sinh như là một nguồn phân bón tự nhiên tốt cho cây cối.

Lon nhôm, chai thủy tinh, giấy có thể bán cho những nơi tái chế. Bạn nên sử dụng giấy tái chế để cứu rừng cây. Giấy tẩy trắng thường được dùng để in báo và loại giấy này khi sản xuất gây ô nhiễm nguồn nước. Tốt nhất nên sử dụng giấy tái chế hay loại giấy không qua tẩy trắng.

Phân loại rác tại nguồn là một giải pháp thông minh, an toàn và khoa học đối với cư dân đô thị

Tránh sử dụng nhựa vì chúng là sản phẩm khó tái chế. Một cách để cắt giảm nhựa là từ chối sử dụng túi nylon do nhân viên siêu thị cung cấp và sử dụng những túi làm bằng vật liệu bền chắc, hoặc sử dụng túi nhựa nhiều lần cho đến khi không còn dùng được nữa.

Ngoài ra, chúng ta cần giảm năng lượng sử dụng và tiết kiệm điện. Điện được sản xuất bằng cách đốt than, dầu, khí và hoạt động này thải ra khí các-bô-níc. Do đó, không nên lãng phí điện. Nếu có thể, bạn cũng nên “hạn chế” đi xe máy, ô tô để bảo vệ môi trường. Đồng thời việc đi bộ hoặc xe đạp cũng là cơ hột tốt để bạn tập thể dục.

ThS Đỗ Hoàng Oanh cho rằng: Khi có thể bạn nên tái chế rác thải của nhà mình càng nhiều càng tốt. Khí mê-tan, loại “khí nhà kính” ảnh hưởng nhiều nhất, được phát thải vào không khí khi rác trong bãi rác bị phân hủy. Nếu bạn giảm được lượng rác chở đến bãi rác sẽ giúp làm giảm lượng khí mê-tan phát thải từ bãi rác.

Giảm độc hại tối đa cho ngôi nhà

Chất thải nguy hại trong gia đình là bất kỳ chất thải nào tạo ra trong nhà, vì chúng luôn có độc tính, có tính ăn mòn hoặc gây phản ứng hóa học. Đó là sơn, thuốc trừ sâu (thuốc bảo vệ thực vật), dầu nhớt, mỹ phẩm, sản phẩm tẩy rửa, chất tẩy rửa, pin, dung môi, axít, kiềm... Mọi người có thể bị phơi nhiễm (tiếp xúc trực tiếp, hít vào hoặc nuốt phải) với những chất độc khi sử dụng. Do đó, bạn cần xử lý cẩn thận để tránh tự làm mình bị nhiễm độc, hoặc gây tổn hại đến môi trường. Theo đó, bạn nên giữ chất thải trong bao bì nguyên thủy của chúng với nhãn hiệu còn nguyên; để chúng ngoài tầm tay của trẻ em và thú nuôi và không để gần nhiệt; tập trung chất thải và chuyển đi vào ngày thu gom chất thải nguy hại của địa phương.

Sơn, pin, chất tẩy rửa trong nhà tắm, dung môi, thuốc trừ sâu (thuốc bảo vệ thực vật), dầu nhớt, sơn, dung môi pha loãng sơn, thuốc uống theo toa bác sĩ… ít nhiều đều chứa các hóa chất nguy hại đến sức khỏe nếu chúng không được sử dụng, lưu trữ hoặc thải bỏ đúng cách. Bột giặt, thuốc đánh bóng nền nhà, sơn và những chất tẩy rửa kiếng, gỗ, kim lọai, lò nướng, toi-lét và các vết ố đều chứa những hóa chất nguy hại như a-mô-ni-ắc, axít sun-fu-ríc và axít phốt-pho-ríc… Những hành vi đơn giản như giặt thảm, rửa chén hoặc sơn tường có thể dễ dàng dẫn việc bạn tiếp xúc với các sản phẩm có thể gây hại cho sức khỏe của mình.

Chỉ cần những biện pháp đơn giản bạn sẽ hạn chế được việc thải bỏ các chất thải nguy hại trong gia đình mình, như: lựa chọn sử dụng các sản phẩm có chứa ít chất độc hại nhất đang có trên thị trường. Nếu phải mua một sản phẩm có chứa chất độc hại, chỉ mua đủ dùng. Bạn cần đọc kỹ nhãn sản phẩm để đảm bảo rằng sản phẩm sẽ đáp ứng yêu cầu của bạn trước khi mua nó. Một khi đã mua, cần tuân thủ theo các hướng dẫn về sử dụng an toàn, thông gió và tồn trữ. Không nên sử dụng nhiều hơn mức được hướng dẫn sử dụng. Sử dụng một lượng dư chỉ đem lại các kết quả là mang lại nhiều mối nguy hơn cho bạn và môi trường, chứ không phải hiệu quả hơn về mặt sử dụng.

Nếu những sản phẩm của bạn mua về không còn nhu cầu sử dụng, bạn có thể đem nó cho bạn bè, hàng xóm, các nhóm cộng đồng hoặc làm từ thiện để không bị lãng phí và giảm rủi ro cho môi trường và gia đình bạn…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm