Systran là một doanh nghiệp Pháp do chính Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (NSA- National Security Agency) thành lập. Hẳn ít có công dân Pháp nào được nghe nói đến doanh nghiệp Systran. Tuy nhiên, đây là một gã trùm thật sự về công nghệ hiện đại, nơi cung cấp các phần mềm dịch thuật tự động cho các công ty kinh doanh và cho công chúng. Trên thực tế, khách hàng ruột của doanh nghiệp Pháp này không ai khác hơn là tình báo Mỹ mà nổi bật nhất chính là NSA, tác giả của những scandal nghe lén rùm beng gần đây. Bởi vì NSA muốn dịch được tất cả tài liệu ra tiếng Anh, từ thư điện tử, nhiều nguồn thông tin đủ loại từ các phương tiện truyền thông cho đến các trang mạng… NSA muốn có được các bản dịch của tất cả ngôn ngữ.
NSA muốn dịch được tất cả tài liệu ra tiếng Anh, từ thư điện tử, nhiều nguồn thông tin đủ loại từ các phương tiện truyền thông cho đến các trang mạng.
Trên thực tế, doanh nghiệp Systran cung cấp cho đối tượng khách hàng bình thường các phần mềm dịch thuật thương mại, kể ra có tất cả 52 cặp ngôn ngữ, từ tiếng Hoa, tiếng Nhật, cho đến tiếng Serbia-Croatia, có nghĩa là các phần mềm có thể dịch được từ 52 ngôn ngữ này ra thành 51 ngôn ngữ khác. Song, đối với khách hàng đặc biệt là các cơ quan tình báo Mỹ, Systran sẽ phải “cố gắng” để dịch được nhiều hơn và hẳn nhiên là… trong bóng tối! Vậy, Systran có thể dịch cho tình báo Mỹ bao nhiêu ngôn ngữ? Theo một hồ sơ gần đây được đăng tải trên tạp chí khoa học La Recherche, trên thế giới chúng ta có không dưới 7.000 ngôn ngữ, trong số đó, 274 ngôn ngữ hiện đang được 1 tỉ người nói. Và 6 tỉ người còn lại sử dụng 6.700 ngôn ngữ khác nhau nữa! Song, chỉ có 74 ngôn ngữ được hơn 10 triệu người sử dụng, trong đó có tiếng Nga.
Thập niên 1950, khi ngành tin học mới ra đời và còn rất chập chờn thì chú Sam cũng chỉ mới quan tâm đến ngôn ngữ của Pushkin mà thôi, mà khi đó “chú” phải dịch cho được hàng tấn tài liệu báo giấy và các tài liệu kỹ thuật khác. Mà cũng chẳng phải dễ dàng gì cho cam! Cho nên cuối cùng vào năm 1964, Không quân Mỹ (US Air Force) cùng với nhiều phòng thí nghiệm khác phục vụ cho công tác tình báo đã chế tạo ra được cỗ máy “IBM Mark II” chuyên “trị” tiếng Nga, để dịch tiếng Nga ra tiếng Anh. Và cũng như nhiều ngành công nghệ khai thác và xử lý thông tin tại Hoa Kỳ, tình báo Mỹ chỉ muốn “tậu” được những công nghệ hiện đại nhất và chấp nhận thực trạng là những công nghệ mũi nhọn mà ngành này tài trợ kinh phí nghiên cứu và triển khai sẽ được đưa ra ứng dụng trước hết là vào lĩnh vực thương mại.
Nói cụ thể hơn, đó chính là sự kiện xảy ra vào năm 1968, khi một trong những cơ sở nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực dịch thuật tự động là Peter Toma, trực thuộc California Institute of Technology đã thành lập ra doanh nghiệp Systran trong mục đích cải thiện khả năng dịch thuật Nga-Anh. Từ đó, Systran trở thành nhà cung cấp độc quyền các phần mềm dịch thuật tự động cho các cơ quan tình báo Mỹ và nhanh chóng phát triển ra nhiều ngôn ngữ khác ngoài tiếng Nga. Trước hết, đó là tiếng Pháp, rồi đến tiếng Tây Ban Nha. Song các nhà khoa học đôi khi lại là những người quản lý tồi, những thành công về mặt kỹ thuật không phải lúc nào cũng mang lại lợi nhuận kinh tế cao!
Song hành với câu chuyện kể trên về nước Mỹ, chúng ta còn thấy xuất hiện một cơ sở sản xuất của Pháp chuyên về lĩnh vực vòi nước, ống nước là Jean Gachot, đã nhanh chóng thâm nhập vào lĩnh vực tin học, đó là vào đầu thập niên 1980. Cơ sở này nhìn ra được nhiều tiềm năng lợi nhuận trong lĩnh vực dịch thuật tự động và đã bắt đầu bằng việc đàm phán để mua được từ công ty Systran bản quyền dịch thuật từ tiếng Ả Rập sang tiếng Anh. Kế đến, Jean Gachot đã quyết định mua lại Systran vào năm 1985 từ nhà sáng lập Systran là Peter Toma. Từ đó, doanh nghiệp Systran nắm giữ trong tay toàn bộ các hợp đồng ký với nước Mỹ, họ đã bắt tay ngay triển khai các chương trình nghiên cứu phát triển, thế nhưng thành công không phải lúc nào cũng đi đôi với lợi nhuận.
TƯỜNG NGUYỄN (Theo Le Point)