Ngày 13-8, trên mạng xã hội lan truyền thông tin Công ty Điện lực Gò Vấp có thể cắt điện nhà ông Lê Văn Dư (bị đơn trong vụ tranh chấp đất đai với nguyên đơn là ông Phan Quý).
Vụ án này từng gây xôn xao dư luận. Theo đó, chiều 1-7, sau khi TAND TP.HCM tuyên án phúc thẩm, vợ ông Dư đã chạy ra hành lang lầu một trụ sở tòa án định nhảy lầu tự tử nhưng lực lượng bảo vệ đã kịp thời ngăn cản.
Theo tìm hiểu của Pháp Luật TP.HCM, ngày 27-7, ông Phan Quý có đơn khiếu nại lên Công ty Điện lực Gò Vấp yêu cầu cắt điện nhà ông Dư với lý do “Việc chuyển nhượng đất chưa hoàn thành”. Ngày 4-8, Công ty Điện lực Gò Vấp có văn bản trả lời ông Quý về việc không có cơ sở để chấp nhận yêu cầu này.
Ngày 8-8, ông Quý tiếp tục gọi điện thoại lên tổng đài chăm sóc khách hàng của Công ty Điện lực TP.HCM để yêu cầu cắt điện nhà ông Dư. Để có cơ sở trả lời ông Quý, Công ty Điện lực Gò Vấp tiến hành xác minh và làm việc với ông Dư theo đúng quy định.
Ông Lê Văn Dư bên chiếc đồng hồ điện nhà mình vào chiều 13-8. Ảnh: MINH CHUNG
Trao đổi với PV chiều 13-8, ông Đinh Quốc Cường, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Gò Vấp, cho biết: Ngày 12-8, đơn vị này đã có buổi làm việc với ông Dư và có lập biên bản. “Lý do của buổi làm việc là ông Quý đề nghị không cấp điện ba pha cho ông Lê Văn Dư và ông Lê Sỹ Thắng trên một phần thửa đất 504 ở phường 15, quận Gò Vấp. Đồng thời, chúng tôi ghi nhận ý kiến của các bên và không hề đề cập gì đến việc sẽ cắt điện nhà ông Dư” - ông Cường nói.
Lãnh đạo Công ty Điện lực Gò Vấp cho biết thêm tới đây sẽ tiếp tục bác yêu cầu (lần hai) của ông Phan Quý về việc cắt điện nhà ông Dư. Lý do là hợp đồng cung cấp điện giữa Công ty Điện lực Gò Vấp và nhà ông Dư đang có giá trị pháp lý. Hai bên tuân thủ đúng quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng nên không có cơ sở nào để cắt điện. Ngoài ra ông Quý không phải là chủ thể của hợp đồng cung cấp điện nên không có quyền yêu cầu.
Ông Cường nói: “Thông tin chúng tôi sẽ dừng cung cấp điện cho nhà ông Dư là sai sự thật. Chúng tôi chỉ tiến hành xác minh về nội dung khiếu nại của ông Quý theo đúng quy định”.
Chiều cùng ngày, trao đổi với PV, ông Dư cho biết: Ngoài việc khiếu nại lên điện lực, phía ông Quý cũng đã làm đơn gửi Công an phường 15, quận Gò Vấp để khiếu nại việc tại sao các cơ quan chức năng lại cấp số nhà cho ông. Ngày 22-7, công an phường cũng đã làm việc với ông Dư về nội dung này.
Tòa Cấp cao đã hủy cả hai bản án Theo hồ sơ, ông Phan Quý bán cho ông Khâu Văn Sĩ 500 m2 đất bằng giấy tay. Sau đó ông này bán tiếp bằng giấy tay cho ông Lê Văn Dư và ông Lê Sỹ Thắng mỗi người 87 m2. Các ông Dư, Thắng, Sĩ có chuyển nhượng đất qua lại với nhau bằng hợp đồng không công chứng. Khi các bên đang sinh sống ổn định trên phần đất đã mua thì giữa năm 2017, ông Quý khởi kiện yêu cầu tuyên vô hiệu hợp đồng mua bán đất giữa ông Dư, Thắng, Sĩ trước đây. Xử sơ thẩm, TAND quận Gò Vấp tuyên chấp nhận một phần yêu cầu của ông Quý, tuyên hủy hợp đồng chuyển nhượng đất giữa ông Quý với ông Sĩ, công nhận 500 m2 đất cho ông Quý. Tòa chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của ông Dư, công nhận hai hợp đồng chuyển nhượng đất giữa ông Quý với ông Dư, ông Thắng. Ông Dư được tách thửa, đăng ký quyền sử dụng đất với 174 m2 đã chuyển nhượng. VKSND quận Gò Vấp kháng nghị. Tại phiên phúc thẩm, VKSND TP.HCM đề nghị tòa chấp nhận kháng nghị, hủy án để xét xử lại. Tuy nhiên, tòa nhận định do việc chuyển nhượng đất giữa các đương sự chưa phát sinh hiệu lực, quyền sử dụng đất vẫn thuộc về ông Quý. Bản án không công nhận việc mua bán đất giữa ông Quý với các bị đơn là có hiệu lực. Tòa cũng không công nhận quyền sử dụng đất của vợ chồng ông Dư đối với 674 m2 trên. Đồng thời, tòa buộc các đương sự phải trả lại phần đất, phía ông Quý thanh toán cho các bị đơn số tiền lần lượt từ khoảng 830 triệu đến 1,3 tỉ đồng. Chiều 15-7, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã ra kháng nghị giám đốc thẩm đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao xử giám đốc thẩm hủy hai bản án để xử lại theo hướng công nhận hợp đồng mua bán giữa ông Quý và các bị đơn. Ngày 24-7, Ủy ban Thẩm phán đã chấp nhận kháng nghị. |