Những chính sách mới có hiệu lực thi hành từ tháng 12-2021

Từ tháng 12-2021, một số chính sách về tiếp nhận chứng từ của Kho bạc Nhà nước, giảm phí trước bạ ô tô hay bỏ yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với cán bộ, công chức... sẽ có hiệu lực. Pháp Luật TP.HCM xin trích giới thiệu tới bạn đọc những chính sách mới này.

Giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất trong nước trong 6 tháng

Nghị định 103/2021 về mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ-moóc hoặc sơ mi rơmoóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước chính thức có hiệu lực thi hành từ 1-12-2021 đến hết ngày 31-5-2022.

Từ 1-12-2021 đến hết 31-5-2022, ô tô sản xuất trong nước sẽ được giảm 50% lệ phí trước bạ trong sáu tháng. Ảnh: PLO

Theo đó, nghị định này quy định mức thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với ô tô, rơmoóc hoặc sơ mi rơ-moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước như sau:

- Từ 1-12-2021 đến hết 31-5-2022: Mức thu lệ phí trước bạ bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định 20/2019: các Nghị quyết hiện hành của HĐND hoặc Quyết định hiện hành của UBND tỉnh, TP trực thuộc trung ương về mức thu lệ phí trước bạ tại địa phương và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).

- Từ 1-6-2022 trở đi: Mức thu lệ phí trước bạ tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định 20/2019 sửa đổi Nghị định 140/2016 về lệ phí trước bạ: các Nghị quyết hiện hành của HĐND hoặc Quyết định hiện hành của UBND tỉnh, TP trực thuộc trung ương về mức thu lệ phí trước bạ tại địa phương và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).

Cổng thông tin điện tử KBNN tiếp nhận chứng từ điện tử 24/7

Thông tư 87/2021 của Bộ Tài chính quy định về giao dịch điện tử trong hoạt động nghiệp vụ Kho bạc Nhà nước (KBNN) có hiệu lực thi hành từ 1-12. 

Trường hợp các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã hoàn thành giao dịch bằng phương thức điện tử thì không phải thực hiện giao dịch đó bằng phương thức giao dịch khác.

Chứng từ điện tử trong các hoạt động nghiệp vụ của KBNN phải được ký số bởi cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền hoặc được xác thực bằng các biện pháp khác theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 165/2018 về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính. 

Quy định mới không còn yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với công chức, viên chức. Ảnh: HOÀNG GIANG

Công chức, viên chức không phải bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học

Nghị định 89/2021 được ban hành nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 101/2017 quy định về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức có hiệu lực từ 10-12.

Theo đó, nội dung bồi dưỡng công chức, viên chức không còn nội dung bồi dưỡng tiếng dân tộc, tin học, ngoại ngữ. 

Thay đổi quy định về kỳ xét ưu đãi thuế

Nghị định 101/2021 sửa đổi Nghị định 57/2020 về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu, ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan có hiệu lực từ 31-12.

Điểm nổi bật của nghị định này là cho phép doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô sử dụng nhiên liệu xăng, dầu lựa chọn kỳ xét ưu đãi thuế sáu tháng hoặc 12 tháng. Cụ thể:

+ Kỳ xét ưu đãi thuế sáu tháng tính từ 1-1 đến 30-6 hoặc từ 1-7 đến 31-12 hằng năm.

Trường hợp doanh nghiệp lựa chọn kỳ xét ưu đãi thuế sáu tháng, đã được xử lý tiền thuế nộp thừa đối trong kỳ sáu tháng đầu năm và sáu tháng cuối năm không đạt điều kiện sản lượng theo quy định nhưng tổng sản lượng của cả năm đáp ứng điều kiện về sản lượng của kỳ xét ưu đãi thuế 12 tháng thì vẫn được xét ưu đãi thuế cho kỳ sáu tháng cuối năm.

Cùng với đó doanh nghiệp được xử lý số thuế nộp thừa đối với số linh kiện đã sử dụng trong kỳ nếu đáp ứng quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 5, khoản 6, khoản 7 Điều 7a Nghị định 125/2017.

+ Kỳ xét ưu đãi thuế 12 tháng tính từ 1-1 đến 31-12 hằng năm.

Tăng hạn mức trả tiền bảo hiểm tiền gửi

Có hiệu lực từ ngày 12-12, Quyết định 32/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về hạn mức tiền bảo hiểm quy định nâng hạn mức trả tiền đối với bảo hiểm tiền gửi. Cụ thể:

- Số tiền tối đa tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm là 125 triệu đồng (so với trước đây là 75 triệu đồng).

Quy định này đã cập nhật hạn mức tiền gửi đúng với quy định tại Điều 24 Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012 về việc cập nhật hạn mức qua các thời kỳ để phù hợp hơn với tình hình hiện nay.

Quyết định này sẽ thay thế Quyết định 21/2017. 

  

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm