Xét xử trực tuyến: Những điều cần chú ý

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 6-9, một lãnh đạo TAND TP.HCM cho biết TAND Tối cao đã hoàn thiện dự thảo quy chế tổ chức phiên tòa, phiên họp trực tuyến (gọi tắt là quy chế) để trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, kéo dài, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có việc tòa án phải ngưng xét xử đối với nhiều vụ án...

Do đó, hơn lúc nào hết việc xét xử trực tuyến cần được tiến hành một cách phù hợp, nhanh nhất, hiệu quả nhất. Đây cũng là xu hướng tất yếu của thế giới và đúng với các cam kết của Việt Nam khi tham gia Hội đồng Chánh án các nước ASEAN…

Tại phiên họp thứ 13 của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương diễn ra vào ngày 26-8, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng xét xử trực tuyến là xu thế tất yếu, cần thiết. Ảnh: TTXVN

Án nào được xét xử trực tuyến?

Quy chế định nghĩa xét xử trực tuyến (XXTT) là việc tổ chức xét xử trực tiếp có sự hỗ trợ từ các thiết bị điện tử và phần mềm ứng dụng truyền hình trực tuyến (THTT) được thiết lập, kết nối với nhau thông qua môi trường mạng.

XXTT không bắt buộc bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng khác phải có mặt tập trung tại một Phòng xử án, nhưng vẫn nhìn thấy hình ảnh, mọi diễn biến phiên xét xử diễn ra và nói trực tiếp với nhau vào cùng một thời điểm.

Điểm cầu trung tâm là phòng xử án của tòa án, nơi có HĐXX, người tiến hành tố tụng (THTT)… Điểm cầu tham gia là nơi mà bị cáo, đương sự tham gia XXTT được tòa án chấp nhận.

Phòng XXTT được tổ chức tại phòng xử án theo quy định tại Thông tư 01/2017 của TAND Tối cao

Theo quy chế, các vụ việc được XXTT như sau:

Đối với án hình sự, xét xử sơ thẩm trực tuyến đối với vụ án mà bị cáo bị đưa ra xét xử về tội phạm ít nghiêm trọng (phạt tù đến ba năm), nghiêm trọng (phạt tù đến bảy năm) hoặc rất nghiêm trọng (phạt tù đến 15 năm) nhưng chứng cứ rõ ràng và bị cáo đang bị tạm giam hoặc chấp hành án tại cơ sở giam giữ.

Xét xử phúc thẩm trực tuyến đối với vụ án mà bị cáo bị tòa án cấp sơ thẩm kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng mà bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt, xin hưởng án treo, cải tạo không giam giữ hoặc đương sự đề nghị tăng mức bồi thường.

Đối với vụ án hành chính; vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình (HN&GĐ), kinh doanh, thương mại, lao động (gọi chung là vụ việc dân sự) thì xét xử sơ, phúc thẩm trực tuyến đối với đối với các vụ án hành chính, vụ việc dân sự có tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng; tài liệu, chứng cứ đầy đủ…

4 trường hợp không được xét xử trực tuyến

Những vụ việc nêu trên sẽ không được XXTT nếu rơi vào một số trường hợp.Cụ thể là vụ việc có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài, vụ việc phải có sự tham gia của người phiên dịch, vụ việc thuộc trường hợp xét xử kín.

Cạnh đó, vụ án hình sự có bị cáo bị đưa ra xét xử về tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi, tội xâm phạm về chức vụ, tội xâm phạm hoạt động tư pháp… cũng không thuộc trường hợp XXTT.

Để XXTT phải tuân thủ đầy đủ các điều kiện như: bảo đảm về cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật; bị cáo, đương sự có văn bản đồng ý XXTT (đối với vụ án hình sự còn phải có văn bản đề nghị XXTT của cơ sở giam giữ); VKS có thẩm quyền thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng có văn bản đồng ý XXTT…

Dự thảo cũng quy định rất cụ thể, chi tiết về trình tự, thủ tục tố tụng tại phiên XXTT cũng như các yêu cầu khi tham gia XXTT.

Trong quá trình XXTT nếu xảy ra quá trình mất mạng, mất điện hoặc do sự cố khách quan khác làm phiên XXTT không thể tiếp tục thì tòa án ra quyết định tạm ngừng phiên tòa, phiên họp.

Đến ngày mở lại phiên tòa, phiên họp mà vẫn không tổ chức được thì tòa án ra quyết định hoãn phiên tòa, phiên họp. Việc tiếp tục phiên tòa, phiên họp bằng hình thức trực tuyến hay trực tuyến do tòa án quyết định, đảm bảo đúng pháp luật về tố tụng…

Nguyên tắc tổ chức xét xử trực tuyến

- Tuân thủ các quy định về trình tự, thủ tục tố tụng của Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính.

- Bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, dữ liệu…

- Bảo đảm xét xử trực tiếp, bằng lời nói và liên tục.

- Bảo đảm các yêu cầu về trật tự, sự tôn nghiêm của tòa án; bảo đảm cho việc xét xử được tiến hành bình đẳng, dân chủ, nghiêm minh, khách quan, đúng pháp luật.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm