Xung quanh đề xuất xử trực tuyến của TAND TP Thủ Đức

Ngày 9-6, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Chánh án TAND TP Thủ Đức (TP.HCM) Nguyễn Thành Vinh cho biết hiện liên ngành tòa án, VKS và Công an TP Thủ Đức đã thống nhất đề xuất cấp trên (theo ngành dọc) chấp thuận chủ trương cho thí điểm xét xử trực tuyến những vụ án hình sự đối với các bị cáo đang bị tạm giam.

Qua đó, các cơ quan này tiến tới đề xuất sửa đổi, bổ sung pháp luật tố tụng hình sự trong việc xét xử hình sự đối với những vụ án theo thủ tục rút gọn hoặc những vụ án đơn giản.

Trụ sở TAND TP Thủ Đức. Ảnh: HY

Vừa chống dịch vừa đảm bảo xét xử đúng tiến độ

Ông Vinh cho biết đặc thù hiện nay nhà tạm giữ Công an TP Thủ Đức đặt tại quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức cũ. Việc quản lý người bị tạm giam, tạm giữ trong tình hình dịch bệnh là một thách thức không nhỏ. Để đảm bảo an toàn, về cơ bản, Công an TP Thủ Đức ủng hộ việc đề xuất cho thí điểm xét xử án trực tuyến.

Trước đó, tháng 4-2020, trong bối cảnh đại dịch, TAND và VKSND huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) cũng đưa ra xét xử vụ án chống người thi hành công vụ tại chốt kiểm soát dịch bệnh COVID-19 dưới hình thức trực tuyến sau khi đã áp dụng thủ tục rút gọn.

Chánh án Nguyễn Thành Vinh cho biết trường hợp chủ trương trên được chấp thuận sẽ góp phần không nhỏ vào công tác phòng chống dịch cũng như giảm chi phí khi di chuyển, áp giải bị cáo đến phiên tòa, đồng thời đảm bảo công tác xét xử đúng tiến độ. “Nếu dịch bệnh còn kéo dài, việc thí điểm và áp dụng xét xử sẽ phù hợp” - ông Vinh nói.

Viện trưởng VKSND TP Thủ Đức Quách Thanh Giang cho biết đồng tình với đề xuất của tòa. Mô hình phòng xử trực tuyến trước mắt dự kiến sẽ được bố trí phòng tại nhà tạm giữ có gắn các thiết bị ghi âm, ghi hình và mạng truyền dữ liệu liên kết với phòng xử tại tòa. 

Đầu cầu tại nhà tạm giữ trong phòng có bố trí bục khai báo như mô hình phòng xử hiện nay. Đầu cầu tại tòa án, người tiến hành tố tụng như HĐXX, đại diện VKS mặc trang phục của ngành và ngồi theo đúng vị trí. Luật sư và những người tham gia tố tụng khác sẽ có mặt ở phòng xử của tòa…

 

Cần chọn lọc vụ án xét xử trực tuyến

Nếu làm thí điểm cũng tốt nhưng phải tùy loại vụ việc. Cần xác định tính chất vụ án trước khi đưa ra xét xử trực tuyến. Những vụ việc phức tạp, xét xử trực tuyến sẽ khó vì cần có tất cả đại diện các bên tranh tụng, xuất trình chứng cứ, đưa ra tang chứng, vật chứng trong phần tranh tụng giữa các bên.

Ví dụ những vụ án như trộm cắp bị bắt quả tang, đang tạm giam thì có thể xét xử được. Còn những vụ việc phức tạp, kéo dài, xét xử trực tiếp sẽ tốt hơn bởi phần tranh tụng rất quan trọng. Trong phần này, người ta thường đưa ra những chứng cứ, vật chứng, thậm chí là bản ảnh.

Ví dụ trong vụ án đánh nhau, gây thương tích sẽ có bản ảnh. Tài liệu này đều phải đưa ra để các bên xem xét tính thuyết phục. Những vật chứng này nếu chỉ giơ qua màn ảnh cho bên kia nhìn thì khó đánh giá mức độ chân thật của chứng cứ.

NGUYỄN THÚY HIỀN, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao

(CÙ HIỀN ghi)

TAND TP.HCM: Đây là ý tưởng tốt và tích cực

Trả lời PV về vấn đề này, lãnh đạo TAND TP.HCM cho biết chỉ mới nghe thông tin và đang chờ đề án cụ thể của TAND TP Thủ Đức. TAND TP.HCM đánh giá đây là một ý tưởng tốt và tích cực, rất phù hợp với tình hình phòng chống dịch bệnh.

Tuy nhiên, khi nhận được đề án này, TAND TP.HCM cũng phải xin ý kiến của TAND Tối cao. Cạnh đó, nếu áp dụng thì phải đảm bảo thực hiện đúng tố tụng, bảo vệ quyền lợi của người yếu thế như bị can, bị cáo trong việc xét xử. Đồng thời phải xem xét đến những người tham gia tố tụng như luật sư, bị hại khác, việc sắp xếp, bố trí và tạo điều kiện sao cho thỏa đáng…

“Đề án chỉ triển khai thực hiện khi TAND Tối cao đồng ý và đạt sự thống nhất giữa các cơ quan tố tụng” - lãnh đạo TAND TP cho hay.

Riêng lãnh đạo VKSND TP.HCM thì trả lời rằng chỉ mới biết thông tin và chưa nhận được báo cáo. Về việc có ý kiến gì hay không, lãnh đạo VKS từ chối vì phải có văn bản cụ thể gửi văn phòng, không làm việc qua điện thoại.

Trong khi đó, lãnh đạo TAND Cấp cao tại TP.HCM cho rằng đề xuất trên chỉ có thể áp dụng đối với vụ án theo thủ tục rút gọn, đồng thời cần phải chuẩn bị trang thiết bị công nghệ đảm bảo. Còn đối với các loại án thông thường hay như án phúc thẩm mà TAND Cấp cao đang xét xử hiện nay thì không thể xét xử trực tuyến được. Chỉ mỗi khâu trích xuất bị cáo từ vụ án này liên quan đến vụ án khác cũng đã là bài toán nan giải…

Đã thí điểm xét xử án hành chính qua mạng

Nhiều thẩm phán chuyên xét xử án hình sự tại TP.HCM ủng hộ với đề xuất trên. Theo các thẩm phán, việc xét xử trực tuyến vừa tiết kiệm vừa công khai, minh bạch. Mọi người có thể giám sát và cũng không vi phạm tố tụng, lại phù hợp với hoàn cảnh phòng chống dịch. Một phiên xử hình sự đông bị cáo, lực lượng bảo vệ sẽ là trở ngại trong giai đoạn yêu cầu giãn cách.

Đây cũng có thể là giải pháp nâng cao năng lực, trình độ của thẩm phán khi được xã hội giám sát. Xét xử trực tuyến tạo sự minh bạch trong hoạt động tư pháp. Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng thực hiện xét xử trực tuyến được vì còn phụ thuộc cơ sở vật chất.

Một thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM cho biết tòa án của một số nước đã thành công trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của tòa như Úc, Singapore, Malaysia…

Gần đây, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc đã tổ chức nhiều phiên tòa xét xử trực tuyến để tránh lây nhiễm COVID-19. Tuy nhiên, riêng Hàn Quốc không xét xử trực tuyến án hình sự vì lý do nhân văn. Họ lý giải rằng án hình sự là loại án mà tòa phải trực tiếp xét xử để cảm nhận được rung động, nắm bắt được tâm lý, trạng thái của bị cáo. Họ cũng đưa ra khuyến cáo về việc chất lượng đường truyền hay có sự can thiệp kỹ thuật nào đó khiến người xét xử không cảm nhận được đầy đủ mọi việc.

Thẩm phán này cho biết thêm: Hiện TAND Tối cao cũng đang tiến hành đề án xây dựng tòa án điện tử, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Trong hội nghị trực tuyến về góp ý dự thảo Đề án đổi mới tổ chức bộ máy TAND cuối tháng 5, lãnh đạo TAND Tối cao có ý kiến thí điểm xét xử một số loại án qua mạng như án hành chính đang thí điểm tại một số đơn vị. Tại TAND TP.HCM đang tiến hành phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại trực tuyến án hành chính. Tiến tới xét xử tất cả loại án, trừ án hình sự sau khi xây dựng tòa án điện tử.

 

Có thể thực hiện nhưng cần tính toán kỹ

Về lý thuyết, đề xuất của TAND TP Thủ Đức là có cơ sở và tính khả thi. Tôi chưa rõ kế hoạch xét xử trực tuyến sẽ tổ chức ra sao nhưng xét về ý tưởng thì có thể thực hiện được. Bởi với việc phát triển công nghệ thông tin như hiện nay thì điều này nằm trong khả năng. Thực tế rất nhiều cơ quan, đơn vị đã tổ chức họp trực tuyến.

Với bối cảnh dịch bệnh phức tạp, xét xử trực tuyến là một giải pháp phòng chống dịch. Cùng với đó, dù xét xử trực tuyến thì vẫn đảm bảo quyền tranh tụng của những người tham gia phiên tòa (luật sư, bị cáo, bị hại…). Ngoài ra, hình thức này cũng sẽ giảm bớt chi phí tổ chức phiên tòa (công tác áp giải bị cáo, bảo vệ an ninh trật tự...).

Tuy nhiên, để đi vào thực tiễn thì còn nhiều vấn đề phải được xem xét và cân nhắc kỹ lưỡng. Yếu tố quan trọng bậc nhất của hình thức trực tuyến chính là phải có cơ sở hạ tầng như thiết bị thu hình, âm thanh, đường truyền...

Theo đó, phía tòa án, VKS hoặc trại tạm giam có thể trang bị đầu cầu trực tuyến nhưng còn phía luật sư, người bị hại, người liên quan, người dân muốn theo dõi phiên tòa… thì không phải ai cũng có thể trang bị hạ tầng kỹ thuật đảm bảo tiêu chuẩn.

Chưa kể, liệu xét xử trực tuyến có thể đảm bảo tính chất xét xử công khai; không chỉ là xử lý người phạm tội mà còn tuyên truyền, giáo dục đến người dân để phòng chống tội phạm?

Trung tá ĐÀO TRUNG HIẾU, chuyên gia nghiên cứu tội phạm học,
Bộ Công an

(TUYẾN PHAN ghi)

TAND Tối cao phải hướng dẫn cụ thể

Tổ chức xử án trực tuyến là phương án hay trong lúc dịch bệnh, tuy nhiên TAND Tối cao phải có hướng dẫn cụ thể. Theo tôi thì việc tranh tụng, xét hỏi vẫn được đảm bảo tại các phiên tòa trực tuyến. Hoạt động nghiệp vụ của luật sư tại phiên tòa trực tuyến cũng không gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, việc này bước đầu sẽ có khó khăn, cần thực hiện thí điểm trước.

Các phiên tòa trực tuyến có cái hay nhưng cũng có hạn chế nhất định như tính giáo dục, răn đe của việc xét xử không được rộng rãi như xử trực tiếp. Tôi nghĩ nếu có điều kiện thì xử trực tiếp vẫn sẽ hay hơn.

Luật sư TRẦN TUẤN LỢI, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng

(TÂM AN ghi)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm