Phát huy các hệ giá trị để “giảm sốc” trước các biến động

(PLO)- Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” đã phân tích, làm rõ các hệ giá trị và mối quan hệ giữa các hệ giá trị đó.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 29-11, tại Hà Nội và kết nối trực tuyến tới hai điểm cầu Thừa Thiên-Huế, TP.HCM đã diễn ra hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” .

Xác định chuẩn mực con người Việt Nam

Phát biểu tại hội thảo, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã nêu lại định hướng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Từ đó, trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị các đại biểu đề xuất và luận giải các giải pháp nhằm giữ gìn, khai thác và phát triển các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay…

PGS-TS Lương Đình Hải (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng không xác lập rõ, không củng cố được và không phát huy được các hệ giá trị Việt Nam, nhất là hệ giá trị con người trong thực tế, chúng ta khó có thể đẩy lùi được tình trạng suy thoái. Do vậy, PGS-TS Lương Đình Hải cho rằng xác lập và xây dựng, phát huy các hệ giá trị sẽ củng cố sự ổn định xã hội, đảm bảo an ninh con người, “giảm sốc” cho các biến động kinh tế, xã hội, chính trị, tư tưởng... giúp con người và xã hội vững vàng, bản lĩnh hơn, định hướng tốt hơn, hiệu quả hơn trước mọi biến động, khủng hoảng của đời sống.

Trong khuôn khổ hội thảo, Thư viện Quốc gia Việt Nam đã tổ chức triển lãm sách, tài liệu với chủ đề “Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam”.

Triển lãm trưng bày khoảng 500 tài liệu, báo, tạp chí, giới thiệu khái quát về các giá trị văn hóa và gia đình Việt Nam được hình thành qua hàng ngàn năm lịch sử; về vai trò của văn hóa trong đời sống cộng đồng các dân tộc Việt Nam; về sức mạnh và trí tuệ của con người Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và hội nhập.

Đề cập đến sự tha hóa, lệch chuẩn về giá trị con người, GS-TS Hồ Sĩ Quý cho rằng việc xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam là vấn đề rất khó. Ông chỉ ra sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế Việt Nam đi kèm các biểu hiện lệch chuẩn về giá trị.

Theo GS-TS Hồ Sĩ Quý, trong việc xác định chuẩn mực con người Việt Nam, vấn đề đầu tiên là phải phân loại: Chuẩn mực con người Việt Nam là chuẩn mực về lĩnh vực nào, về mặt nào của đời sống con người, hay về các nhóm người nào thuộc cộng đồng các dân tộc, các tầng lớp cư dân Việt Nam.

“Chuẩn mực con người Việt Nam nếu được xây dựng một cách hợp lý thì cũng mới chỉ là những nguyên tắc kỳ vọng có tính chất lý tưởng, chủ yếu về phương diện đạo đức hay nhân sinh quan. Điều đáng suy nghĩ là ở chỗ nếu chỉ mang tính quy ước, chỉ là những nguyên tắc lý tưởng, giống những lời khuyên về phương diện đạo đức thì tính chuẩn mực của các chuẩn mực xã hội đối với con người sẽ có ý nghĩa như thế nào” - GS-TS Hồ Sĩ Quý nêu vấn đề.

Để thực hiện các chuẩn mực con người, PGS-TS Hồ Bá Thâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực và nhân tài TP.HCM, đề xuất cần cụ thể hóa hệ chuẩn mực con người Việt Nam bằng cách xây dựng luật, quy ước cộng đồng, gắn hệ chuẩn mực gia đình với văn minh, đời sống văn hóa ở cơ sở, đơn vị, xóm ấp, tổ, khu phố văn minh… PGS-TS Hồ Bá Thâm cho rằng cần nêu gương người tốt việc tốt, người tử tế, việc làm tử tế và phê bình, phê phán những ý thức và hành vi không thực hiện hoặc thực hiện lệch chuẩn, sai chuẩn…

Khắc phục sự chung chung, hô hào, hình thức

PGS-TS Nguyễn Thị Phương Châm (Viện Nghiên cứu văn hóa) đề cập đến một số nhận thức về hệ giá trị.

Theo bà, tên gọi các hệ giá trị văn hóa, con người Việt Nam được xem là đã có sẵn và các hệ giá trị được xác định là cần xây dựng đều là các mỹ từ, nghe rất hay, rất quen thuộc, tạo cảm giác như chúng ta đã có hết rồi song thực tế lại không hẳn như vậy. Tuy nhiên, các hệ giá trị văn hóa được xác định vẫn chưa thực sự gắn với thực tiễn, chưa đi vào cuộc sống mà chủ yếu tồn tại trên sách vở, trong các văn bản chính sách, trên các diễn đàn và các diễn ngôn truyền thông, tuyên truyền.

“Hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực giá trị con người Việt Nam mà Đảng ta xác định chính là xác định việc xây dựng để có được những hệ giá trị đó, là khát vọng, là mục tiêu muốn đạt được mà không phải là những hệ giá trị có sẵn hay đang được thực hành phổ biến trong cả xã hội” - bà Châm nói.

Từ đó, bà bày tỏ: Nếu quan tâm đúng mức hơn đến tính thực tiễn của hệ giá trị văn hóa thì chúng ta sẽ khắc phục được sự chung chung, hô hào, hình thức trong xây dựng hệ giá trị văn hóa. Tính thực tiễn ở đây là hệ giá trị văn hóa phải được xây dựng từ thực tiễn và rồi phải được thực hành sâu rộng trong thực tiễn, trở thành lối sống, thói quen, tập tính hằng ngày của con người. Chỉ như vậy, việc xây dựng hệ giá trị văn hóa mới được xem là đạt hiệu quả.

Các đại biểu thảo luận tại hội thảo. Ảnh: VIẾT THỊNH
Các đại biểu thảo luận tại hội thảo. Ảnh: VIẾT THỊNH

Cũng đề cập đến hệ giá trị quốc gia, GS-TS Trần Văn Phòng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng hệ giá trị quốc gia Việt Nam phải thống nhất với hệ giá trị của chủ nghĩa xã hội mà Đảng và nhân dân ta lựa chọn xây dựng. Vì vậy, theo ông, hệ giá trị quốc gia Việt Nam hiện nay sẽ bao gồm các thành tố mà Cương lĩnh 2011 đã nêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Trong đó, nhân dân là chủ thể, là vị trí trung tâm trong xã hội XHCN, là đối tượng mà Đảng và Nhà nước ta phục vụ.

“Cho nên nhân dân trong nhà nước XHCN phải giàu. Giàu phải được hiểu toàn diện, giàu về vật chất, giàu về sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần, giàu về tình thương yêu, nhân ái, bao dung, độ lượng, vị tha, giàu về trí tuệ. Nghĩa là giàu đa chiều, toàn diện. Dân giàu gắn liền với nước mạnh. Mạnh ở đây cũng là mạnh toàn diện cả kinh tế, chính trị, văn hóa, quân sự, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, về uy tín, vị thế quốc tế. Dân giàu, nước mạnh phải gắn liền với một chế độ xã hội dân chủ, công bằng, văn minh” - GS-TS Trần Văn Phòng bày tỏ.

Đề xuất hệ giá trị quốc gia trong giai đoạn hiện nay gồm tám giá trị: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, công bằng, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc, GS-TS Từ Thị Loan đưa ra một số phương thức góp phần giữ gìn, củng cố và phát triển hệ giá trị quốc gia Việt Nam.

Trong đó, bà cho rằng cần lồng ghép nội dung giáo dục giá trị quốc gia vào các môn học như giáo dục công dân, ngữ văn, lịch sử, địa lý...

Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cách đây đúng một năm, ngày 24-11-2021, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Phát triển văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm, một nội dung nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng... Để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc, chúng ta cần tập trung thực hiện thật tốt một số nhiệm vụ trọng tâm.

Trong sáu nhiệm vụ trọng tâm, ở nhiệm vụ trọng tâm thứ hai, Tổng bí thư đã định hướng: Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo.

Những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hóa gia đình Việt Nam với những giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; được bồi đắp, phát triển bởi nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; trên nền tảng của hệ giá trị quốc gia và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc ta: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc.

Ông Phan Nguyễn Như Khuê. Ảnh: VÕ THƠ

Ông Phan Nguyễn Như Khuê. Ảnh: VÕ THƠ

Ông PHAN NGUYỄN NHƯ KHUÊ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM:

Chấn hưng văn hóa, xây dựng con người gắn với nhịp sống hiện đại

Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam là một vấn đề rất lớn, đang là sự trăn trở và tiếp tục làm rõ của các nhà khoa học và nhà nghiên cứu.

Trước một nhịp sống hiện đại, trước sự bùng nổ của thời kỳ công nghệ số, đặc biệt là mạng xã hội ít nhiều tác động đến chuẩn mực khiến nhiều người trong suy nghĩ, hành động có phần nào đó bị lệch pha. Những việc làm, hành vi tiêu cực trong xã hội mà chúng ta chứng kiến thời gian qua chính là hồi chuông báo động để cho không chỉ ở góc độ nghiên cứu khoa học mà trong công tác quản lý, hệ thống giáo dục mở rộng cần phải xem xét.

Bởi những giá trị truyền thống hết sức cao đẹp mà ông cha ta đã hun đúc, kết tinh bao đời nay đã tạo nên những giá trị trong nền văn hóa dân tộc, trong cốt cách con người Việt Nam. Chính nhờ những điều tốt đẹp này đã giúp dân tộc ta vượt qua những cam go, thử thách, vươn lên theo dòng chảy lịch sử. Do vậy những việc làm, những suy nghĩ, lời nói, biểu hiện không đúng mực sẽ là mầm mống của sự tự diễn biến, tự chuyển hóa khi mà mình thờ ơ với thời cuộc, thiếu trách nhiệm với Tổ quốc, với đồng bào và cả chính mình. Điều này cần có sự xem xét tổng thể cả về khía cạnh kinh tế, khoa học để làm sao có biện pháp chấn hưng về văn hóa và xây dựng con người theo hướng phát triển của nhịp sống xã hội hiện đại như hiện nay.

VĂN HÀ ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm