Phạt nghiêm nồng độ cồn, số ca tai nạn giao thông giảm mạnh

(PLO)- Từ khi cơ quan chức năng siết kiểm tra vi phạm nồng độ cồn, số vụ tai nạn giao thông trên địa bàn TP.HCM giảm đáng kể, bệnh nhân cấp cứu liên quan đến rượu bia tại các bệnh viện cũng giảm theo.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, khoa Cấp cứu BV Thống Nhất tiếp nhận một bệnh nhân nam (43 tuổi) bị tai nạn giao thông (TNGT) được người đi đường gọi xe cấp cứu 115 đưa vào BV lúc 5 giờ.

Té xe, ẩu đả do say xỉn

Kết quả xét nghiệm máu cho thấy nồng độ ethanol của bệnh nhân cao. Bên cạnh đó, bệnh nhân bị chấn thương sọ não, gãy xương hàm, vết thương lóc da hai bàn tay.

Sau khi được các bác sĩ (BS) tiến hành phẫu thuật và điều trị trong 11 ngày, hiện bệnh nhân đã ổn định và xuất viện, duy trì tái khám để kiểm tra tình trạng xương hàm.

“Bệnh nhân này bị té trong lúc say xỉn, không có người chứng kiến, vào BV không có người nhà đi theo. Vì thế BV gặp khó trong khai thác bệnh sử, không khai thác được thời gian chấn thương, phải đánh giá qua kết quả CT-scan (chụp cắt lớp vi tính)” - một BS khoa Cấp cứu BV cho biết.

Xét nghiệm cho thấy có nồng độ cồn trong máu cao
Một bệnh nhân bị tai nạn giao thông đang được cấp cứu tại BV Thống Nhất. Xét nghiệm cho thấy có nồng độ cồn trong máu cao Ảnh: BVCC

Khoa Cấp cứu BV Nhân dân Gia Định cũng mới tiếp nhận một bệnh nhân bị đâm vào ngực và một bệnh nhân bị nhiều vết thương do ẩu đả trong bàn nhậu. Xét nghiệm máu cho thấy cả hai đều có nồng độ cồn trong máu cao.

Theo khai thác bệnh sử, hai bệnh nhân nhậu cùng bạn, sau đó mâu thuẫn dẫn đến đánh nhau. Khi nhập viện cấp cứu, một người bị nhiều vết thương ở tay chân, được BS khâu và cho về. Người còn lại bị đâm vào ngực, sốc, mất máu, tụt huyết áp, suy hô hấp, vết thương thấu ngực.

Việc cơ quan chức năng mạnh tay trong xử lý vi phạm nồng độ cồn giúp giảm đáng kể tình trạng sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông. Từ đó giúp giảm số trường hợp bị TNGT, tai nạn sinh hoạt hằng ngày do rượu bia gây ra.

BS VÕ HÒA KHÁNH, BV Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM

Các BS hồi sức và phẫu thuật cấp cứu trong tình trạng bệnh nhân bị tràn khí, tràn máu màng phổi, đứt động mạch vú trong. Bệnh nhân được mổ cầm máu, dẫn lưu màng phổi, điều trị một tuần và được xuất viện.

Ca TNGT liên quan đến nồng độ cồn giảm

Theo TS-BS Mai Phan Tường Anh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (BV Nhân dân Gia Định), từ tháng 8 đến tháng 12-2023, số ca cấp cứu vì TNGT tại BV là 1.918. Trong đó, 389 ca liên quan đến nồng độ cồn, giảm 16% so với đầu năm 2023 và giảm 27% so với cùng kỳ năm 2022.

ThS-BS CKII Nguyễn Thụy Trang, phụ trách khoa Cấp cứu (BV Thống Nhất), cho biết trong năm tháng qua (từ tháng 8 đến tháng 12-2023), BV tiếp nhận 1.152 ca TNGT. Trong đó, gần 200 ca liên quan đến nồng độ cồn, giảm 3% so với đầu năm 2023. Bệnh nhân chủ yếu là nam giới ở độ tuổi lao động (18-64 tuổi), phần lớn nhập viện cấp cứu vào ban đêm.

“Bệnh nhân say xỉn bị TNGT thường không có người nhà đi theo, cũng không có người chứng kiến dẫn đến khó khai thác cơ chế chấn thương, giải thích tình trạng bệnh. Trường hợp cần mổ gấp cũng không có người ký giấy cam kết phẫu thuật cần thiết, êkíp cấp cứu phải xin ý kiến trực lãnh đạo” - BS Trang cho biết thêm.

Tương tự, BS CKII Nguyễn Thanh Sử, Trưởng khoa Cấp cứu (BV Nhân dân Gia Định), chia sẻ cấp cứu bệnh nhân say xỉn gặp nhiều khó khăn do bệnh nhân có thể kích động, lơ mơ thậm chí hôn mê, khó hợp tác. Một số người còn chống đối, gây mất an ninh trật tự trong BV.

Tại BV Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM, BS Võ Hòa Khánh, Trưởng phòng Quản lý chất lượng, cho hay theo thống kê, số bệnh nhân nhập viện cấp cứu tại BV từ đầu năm 2023 đến nay là 13.141. Số ca có thử nồng độ cồn ethanol là 4.173, trong đó 590 trường hợp dương tính, chiếm tỉ lệ 4,5% tổng số ca cấp cứu tại BV.

Với bệnh nhân TNGT liên quan đến nồng độ cồn nhập viện không có người nhà đi cùng, nếu không xác định được mất nhận thức do rượu bia hay đa thương, BV phải chuyển bệnh nhân qua các BV đa khoa để tầm soát toàn thân, kiểm tra khả năng ngộ độc ethanol… Khi đó sẽ kéo dài thời gian, ảnh hưởng đến điều trị, tốn kém tiền bạc không cần thiết” - BS Khánh nói thêm.

Theo Phòng CSGT Công an TP.HCM, năm 2023, tình hình TNGT đường bộ tại TP.HCM được kéo giảm sâu ở cả ba tiêu chí (giảm 409 vụ so với cùng kỳ, giảm 113 người chết và giảm 272 người bị thương).

Tính từ khi Công an TP.HCM bắt đầu thực hiện cao điểm chuyên đề kiểm tra nồng độ cồn trên địa bàn TP (từ ngày 24-11-2023 đến 9-1-2024), có 30 vụ TNGT liên quan đến nồng độ cồn. So với liền kề trước khi thực hiện cao điểm kiểm tra nồng độ cồn, số vụ TNGT giảm 12 vụ, giảm 35 người chết nhưng tăng 26 người bị thương.

Năm 2024, Phòng CSGT sẽ tham mưu Ban giám đốc Công an TP.HCM có kế hoạch xử lý vi phạm nồng độ cồn ở các tuyến đường, địa điểm, thời gian tại vị trí thường xảy ra TNGT hoặc tại khu vực nhà hàng, quán ăn, người dân hay sử dụng rượu bia.

Mục tiêu là xử lý vi phạm nồng độ cồn phải thực hiện quyết liệt, bền bỉ, quyết tâm, hình thành bằng được thói quen, văn hóa “Đã uống rượu bia không lái xe” trong nhân dân.

TỰ SANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm