Từ 12-12, Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC67), Công an TP.HCM bắt đầu lập biên bản xử phạt những xe bị ghi hình vi phạm giao thông được gửi thông báo ba lần nhưng chưa đóng phạt. Đáng chú ý, hầu hết lái xe bị lập xử phạt đều chỉ đồng ý ký vào biên bản với tư cách là “người chứng kiến”.
Chối lỗi dù có ghi hình
Khoảng 8 giờ 30, tổ chuyên đề của PC67 TP.HCM có mặt ở hai đầu hầm vượt sông Sài Gòn và bắt đầu dừng xe xử phạt. Đầu tiên, ô tô 52T-6886 bị kiểm tra do đã ba lần chạy quá tốc độ trong tháng 7 và 8. Người lái xe là ông NNQ thừa nhận các lỗi mà CSGT đưa ra và đây là trường hợp duy nhất trong ngày nhìn nhận vi phạm. Còn các trường hợp sau đó đều chối lỗi, cho rằng mình không vi phạm và không biết ai lái xe.
Như lái xe TMM, điều khiển xe taxi 51A-423.95 cho rằng xe này của công ty, do nhiều người chạy nên anh không biết ai vi phạm. “Camera ghi hình cách nay gần sáu tháng nhưng tôi không nhận được thông báo. Hơn nữa, máy không ghi được hình ảnh người lái ở thời điểm đó. Tôi sẽ báo lại công ty để truy ai là người lái và đề nghị họ đi đóng phạt” - ông M. nói.
Chiếc xe này đang “nợ” bảy lỗi bị ghi hình trước đó nhưng người lái xe cho rằng không nhận được thông báo vi phạm. Ảnh: MP
Hầu hết các tài xế khi bị dừng xe đều tỏ ra ngạc nhiên. Chiếc xe 51LD-7947 do ông LHT lái đang “nợ” bảy lỗi vi phạm gồm dừng xe nơi có biển cấm, chạy xe quá tốc độ…, song tài xế cương quyết: “Không nhận được thông báo, không biết vi phạm”. Cá biệt còn có người cự cãi, to tiếng với lực lượng CSGT như ông LTH, lái xe 51A-358.69. “CSGT tạm giữ giấy tờ mà đến ngày nộp phạt mới cho xem hình ảnh thì tôi không chấp nhận. Nếu sai tôi sẽ nhận nhưng các anh phải đưa ra được chứng cứ” - ông H. nói và kiên quyết không ký vào biên bản.
Khó níu chủ xe
Theo PC67, từ đầu năm 2013 đến nay, đơn vị này đã gửi các thông báo vi phạm giao thông cho trên 29.900 tổ chức, cá nhân trên địa bàn TP.HCM. Trong đó gần 4.300 trường hợp dù gửi thông báo đến ba lần vẫn không đóng phạt. Do nhiều tài xế trong nhóm 4.300 trường hợp này khẳng định mình không vi phạm, xe do nhiều người sử dụng… nên CSGT yêu cầu họ ký vào biên bản với tư cách người chứng kiến.
Khi không xác định được người vi phạm bị ghi hình, CSGT khó lòng “níu áo” chủ xe vì có thể dẫn đến xử phạt sai đối tượng. Trong buổi tập huấn các quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông, an toàn xã hội ngày 12-12, Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Tổng cục VII) lưu ý: “Khi không xác định được đối tượng vi phạm hành chính thì không ra quyết định xử phạt vi phạm” (Điều 65 Luật Xử lý vi phạm Hành chính).
Trao đổi thêm với Pháp Luật TP.HCM, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng C67 - Bộ Công an, cho biết hiện việc quản lý phương tiện ở nước ta còn lỏng lẻo, nhất là tình trạng mua bán xe không chuyển quyền sở hữu. “Điều này khiến việc xử phạt qua hình ảnh không triệt để. Tuy nhiên, dù không xử lý được 100% thì việc áp dụng khoa học kỹ thuật, dùng thiết bị nghiệp vụ để thay thế con người là việc phải làm. Chúng tôi sẽ từng bước khắc phục những bất cập để nâng cao tỉ lệ chấp hành đóng phạt, đồng thời đề nghị các chủ xe phối hợp với CSGT để xác định đúng đối tượng vi phạm” - Thiếu tướng Tuyên nói.
Hoạt động của CSGT liên quan đến hàng chục triệu người nhưng hầu hết người dân đều không có thiện cảm, nguyên nhân có phần do nhiều CSGT chưa có kinh nghiệm, cứng nhắc trong xử lý. Tôi từng bị CSGT dừng xe, kiểm tra nồng độ cồn sai quy trình. Các vi phạm cần được xử lý một các kiên quyết nhằm giảm tai nạn giao thông nhưng cán bộ cần nắm vững quy định của pháp luật và xử lý vi phạm một cách có tình, có lý. Trung tướng Tô Thường, Tổng Cục trưởng Tổng cục VII Hiện Bộ Công an và Bộ GTVT đang phối hợp, huy động toàn bộ lực lượng nhằm lập lại trật tự ATGT. Công việc kiểm tra, xử lý xe quá tải sẽ được thực hiện thường xuyên, liên tục và đồng bộ một cách minh bạch trên cả nước. |
MINH PHONG - MINH QUÝ