Mới đây, Sở Y tế đề xuất UBND TP.HCM dẹp 100% chợ tự phát ở TP.HCM để quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Trên thực tế, ngoài vấn đề nêu trên, chợ tự phát còn gây mất trật tự đô thị, tạo cảnh nhếch nhác, ô nhiễm. Song chợ tự phát đã đi vào cuộc sống thường ngày của người dân nên dù chính quyền nhiều nơi muốn dẹp cũng không làm được.
Chiếm đường làm chợ
Ở TP.HCM, không khó bắt gặp hình ảnh chợ tự phát tràn từ vỉa hè xuống lòng đường với khung cảnh bát nháo vào mỗi giờ cao điểm. Chợ thường hình thành từ gánh rau, hàng thịt, xuất phát từ nhu cầu của người bán, người mua.
Từ nhiều năm nay, chợ tự phát trên đường Hiệp Bình (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) là một điểm nóng về trật tự đô thị. Đây là đoạn đường nối quốc lộ 13 và Phạm Văn Đồng, có tuyến xe buýt số 57 đi qua. Theo ghi nhận của PV, nhiều người phải ra giữa đường mới đón được xe buýt.
Ông Trương Đình Tuấn (phường Hiệp Bình Chánh) cho biết thường hay mua ở chợ này dù biết có thể không đảm bảo ATVSTP. “Ngày nào tôi cũng ghé chợ này vì tiện đường, lại gần nhà” - ông Tuấn giải thích.
Trong khi đó, tiểu thương Nguyễn Lê (quê ở Thanh Hóa) cho biết đã buôn bán ở đây sáu năm rồi. “Bị trật tự đô thị đuổi, phạt riết cũng quen. Cả gia đình tôi đều dựa vào gánh hàng này nên đành chấp nhận, nếu không cả nhà đói mất” - ông Lê nói.
Tương tự, bà Dương Thị Nhung (quê ở Bắc Giang), bán trái cây tại chợ này không còn nhớ nổi số lần bị phạt vì buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường. Bà Nhung kể bà ở Bắc Giang quanh năm làm ruộng, nuôi vịt, heo mà không đủ sống nên cùng chồng liều mình vào TP.HCM bán hàng bên lề đường để kiếm sống. “Nay đã được ba năm rồi. Mỗi ngày lực lượng trật tự đô thị đi kiểm tra hai lần, cứ hễ thấy họ là tôi liền cuốn hết trái cây rồi ôm chạy vào hẻm. Nếu không chạy kịp, bị tịch thu thì mất cả triệu đồng tiền mua trái cây và còn bị phạt nữa. Ngoài ra, có ngày họ đi kiểm tra thường xuyên phải nghỉ bán” - bà Nhung kể.
Đường Phạm Đăng Giảng (phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP.HCM) gần như bị chiếm hết bởi chợ tự phát. Ảnh: MINH HUỆ
Vì mưu sinh, bà Chu Thị Quý đẩy xe bán trái cây ở chợ tự phát trên đường Phạm Đăng Giảng. Ảnh: MINH HUỆ
Bán ở chỗ biển cấm
Năm 2004, chợ Cây Quéo bị dẹp, mở rộng đường Hoàng Hoa Thám (quận Bình Thạnh), người dân tràn ra đường buôn bán. Ban đầu là những hộ kinh doanh quần áo, tạp hóa, rồi dần thêm nhiều gánh rau, hàng thịt. Đến nay, khu chợ chiếm phần lớn lòng, lề của một đoạn đường Hoàng Hoa Thám và buôn bán diễn ra ngang nhiên ngay dưới băng rôn “Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp dùng xe đẩy tay, xe tự chế và hành vi lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh, buôn bán kể từ ngày 19-4-2016”.
Mỗi sáng, tình hình giao thông ở khu vực này diễn ra lộn xộn. Người mua dựng xe ở giữa đường, có người còn ngồi trên xe máy rồi với tay mua hàng tại những xe đẩy, gánh hàng giữa lòng đường. Mỗi khi nghe hô hoán có tổ trật tự đô thị thì hò nhau tháo chạy làm mớ rau, nước cá vương vãi đầy đường.
Nhiều người sống gần chợ cho biết chợ gần nhà có tiện thật nhưng cũng quá ngán ngẩm với những âm thanh xô bồ, tiếng nói cười, thậm chí là cãi vã của hàng cá, hàng thịt. Các phụ huynh đón con đang học tại Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc cạnh chợ này cũng phản ứng mạnh vì những ảnh hưởng của chợ đến môi trường học tập của con em. “Nhiều người dừng xe trước cổng trường bán hàng, choán chỗ đậu xe của phụ huynh. Nhiều phụ huynh bức xúc gửi đơn kiến nghị trường, trường nhắc nhở bảo vệ. Chúng tôi nhắc nhở những người bán hàng chiếm lòng, lề đường nhiều lần nhưng không xong. Đến khi có công an, trật tự phường can thiệp họ mới dời đi nhưng sau lại tái chiếm” - ông Nguyễn Võ Mạnh Châu, bảo vệ Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, bức xúc.
Xây chợ khang trang nhưng ế ẩm
Chợ tự phát tràn lan, người dân chọn cách chiếm đường làm chợ dù không thiếu nơi bán. Đơn cử, chợ tự phát trên đường Phạm Đăng Giảng (quận Bình Tân). Con đường này rộng chừng 5 m bị chiếm trọn. Khu vực này gần KCN Tân Bình nên vào giờ cao điểm, lượng công nhân đổ ra rất đông. Thế là các hàng cá, hàng thịt bày hàng ra giữa đường để mặc nước thải chảy tràn ra đường, bốc mùi hôi thối.
Điều đáng nói, trước năm 2010, tại khu vực này có chợ tư nhân Tư Trầm với quy mô 300 sạp. Tuy vậy, các sạp không có người thuê nên khoảng năm 2012, chợ này được sửa lại để cho thuê nhà trọ, nhà xưởng.
Trong khi đó, cảnh họp chợ nhộn nhịp dưới lòng đường Phạm Đăng Giảng diễn ra mỗi ngày. Nhiều người bán lý giải họ chấp nhận bị rượt đuổi vì tiền thuê chỗ ngồi trên lề đường không đủ trả, huống gì thuê nhà lồng. Khi nghe đề cập đến chủ trương dẹp hẳn chợ tự phát, họ khá khẩn trương bởi gánh rau, hàng thịt đang là kế sinh nhai chính của cả gia đình. “Tôi bán ở đây vì xin dùng được vỉa hè của người quen. Chẳng may bị bắt thì đóng phạt từ 100.000 đến 150.000 đồng, vẫn hơn vô nhà lồng chợ. Vào đó, một ngày may ra chỉ được vài chục ngàn đồng thì lấy gì sống” - bà Nguyễn Thị Nhi, bán hàng ở vỉa hè đường Phạm Đăng Giảng, phân bua.
Bà Chu Thị Quý (quê ở Thanh Hóa), đẩy xe ba gác bán trái cây lâu năm ở chợ tự phát, nói cách đây sáu năm bà cũng được chính quyền địa phương vận động vào chợ Tư Trầm. “Vào đó thuê một cái sạp phải mất hơn chục triệu đồng. Tôi không đủ tiền thuê do phải để dành tiền lo hai con ăn học. Hơn nữa, bán ngoài đường quen rồi, khách quen cũng nhiều, giờ vào sạp không khéo không có khách. Vì thế, tôi vẫn bán ở chợ tự phát này” - bà Quý đưa ra lý do.
Muốn dẹp chợ phải có lộ trình Chợ tự phát trên đường Phạm Đăng Giảng đã hình thành hơn 10 năm nay, lúc chưa thành lập phường, từ nhu cầu thực tế của người dân khu vực, của công nhân ở KCN Tân Bình, KCN Vĩnh Lộc. Phường có chủ trương dẹp khu chợ này từ lâu. Đi kèm là việc tuyên truyền vận động, buộc ký cam kết không lấn chiếm; xử phạt, tịch thu xe đẩy, xe ba gác tự chế… Tuy nhiên, phường Bình Hưng Hòa không có chợ truyền thống, trong khi đại đa số người dân, công nhân không đủ điều kiện, thời gian mua sắm tại siêu thị. Ngoài ra, do thói quen mua sắm vỉa hè nên các khu chợ tự phát ở nhiều nơi và cả ở đường Phạm Đăng Giảng vẫn tồn tại. Do vậy, phường chỉ có thể làm từng bước, chứ chưa thể dẹp dứt điểm chợ Phạm Đăng Giảng. Theo đó, trước mắt sẽ xử phạt những người lấn chiếm lòng đường, còn trên vỉa hè sắp xếp lại để phục vụ nhu cầu của người dân. Chúng tôi cũng đã yêu cầu tất cả người dân địa phương có nhà hai bên đường Phạm Đăng Giảng cam kết không cho người khác thuê làm nơi mua bán lấn chiếm lòng đường… Cạnh đó, lực lượng trật tự đô thị, bảo vệ dân phố, cảnh sát khu vực sẽ thường xuyên được duy trì để xử lý hành vi đậu xe, mua bán lấn chiếm. Ông LÊ HOÀNG DŨNG, Phó Chủ tịch UBND Mua bó rau 5.000 đồng, có thể bị phạt 150.000 đồng Việc dẹp chợ tự phát bắt đầu từ người mua sẽ hiệu quả hơn. Theo đó, người mua dừng xe mua hàng, cảnh sát khu vực sẽ lập biên bản phạt nóng về hành vi dựng xe lấn chiếm lòng, lề đường. Mua bó rau có 5.000 đồng nhưng có thể bị phạt 150.000 đồng sẽ khiến họ e ngại nên sẽ “tuyên truyền” cho người khác. Người mua là đối tượng rộng hơn, nếu biện pháp này hiệu quả sẽ mang hiệu ứng xã hội rộng rãi hơn so với việc phạt người bán. Nếu thực hiện như lâu nay, cứ mãi siết người bán thì không hiệu quả bằng vì họ không bán chỗ này thì bán chỗ khác. Nhưng nếu không có người mua thì sẽ không còn người bán. Vì vậy, phường Hiệp Bình Chánh đã lập chín tổ xử phạt nóng để tập trung xử lý những người mua hàng dựng xe lấn chiếm lòng, lề đường ở các chợ tự phát trên địa bàn phường. Ban đầu chỉ nhắc nhở nhưng tái phạm sẽ bị phạt. Đối với đề xuất dẹp 100% chợ tự phát, tôi cho rằng khó khả thi. Hiện nay quy hoạch chợ chưa được thực hiện đầy đủ, chưa đáp ứng nhu cầu của người dân. Do đó, chợ tự phát tồn tại như quy luật tất yếu. Vấn đề là quản lý như thế nào. Riêng chợ tự phát ở đường Hiệp Bình, phường có chủ trương sẽ dẹp hẳn nhưng sẽ có lộ trình cụ thể. Ông TRỊNH TRỌNG THÀNH, Phó Chủ tịch UBND |