Dẹp chợ lề đường: Chẳng lẽ bó tay?

TLS: Những con đường bị "biến dạng" chính là những con đường bị chợ tự phát bao vây đến mức không còn nhận ra đó là một con đường cho người và xe lưu thông nữa. Mặc cho cơ quan chức năng ra sức chấn chỉnh bằng nhiều biện pháp, chợ tự phát vẫn mặc nhiên phát triển ở khắp mọi nơi. Không chỉ mất mỹ quan đô thị, những khu chợ này còn tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm. PLOđiểm lại những con đường đã và đang bị "biến dạng" bởi sự tấn công của chợ tự phát.

Xem thêm Những con đường bị "biến dạng" - Kỳ 1

Xem thêm Những con đường bị "biến dạng" - Kỳ 2

Xem thêm Những con đường bị "biến dạng" - Kỳ 3

Năm 2003, UBND TPHCM có Quyết định 144/2003/QĐ-UB quy hoạch lại mạng lưới chợ, siêu thị, trung tâm thương mại của 22 quận - huyện trên địa bàn TP. Theo đó, đến năm 2010 có nhiều chợ truyền thống được quy hoạch lại và dẹp hết các chợ tự phát. Thế nhưng đến nay, các chợ tự phát cũ vẫn chưa giải tỏa được và lại có thêm nhiều chợ tự phát mới hình thành. Ước tính, hiện có đến 170 chợ tự phát rải rác khắp nơi trên địa bàn thành phố.

Chợ tự phát hoạt động gây mất vẻ mỹ quan đô thị, ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, nguy cơ về an toàn vệ sinh thực phẩm. Đa phần những người bán hàng thuộc chợ tự phát chủ yếu là dân tứ xứ lên thành phố để mưu sinh. Họ tụ tập thành nhóm đông người để lập ra một cái chợ buôn bán, nhất là ở các nơi có nhiều người dân lao động nghèo, công nhân trong các công ty, xí nghiệp. Người bán ở chợ tự phát hầu hết là những người nhập cư, lao động nghèo, việc buôn bán ở chợ là nguồn thu nhập chính của họ. Chính vì vậy, khi các đơn vị chức năng vận động, dẹp bỏ các chợ… thì họ lảng tránh đi một nơi khác. Đến khi không có mặt lực lượng chức năng, mọi chuyện trở lại như cũ. Nhưng xem ra, việc giải tỏa chợ tự phát không hề có tiến triển nào.

Ông Trần Minh Vũ, phó chủ tịch UBND phường 6 quận Tân Bình:

Dẹp chợ lề đường: Chẳng lẽ bó tay? ảnh 1

Không có phương tiện vận chuyển mỗi khi kiểm tra và … thu giữ!

Chợ Nghĩa Hòa là chợ tự phát và đã có từ rất lâu. Phường 6 kết hợp với phường 7 bố trí lực lượng chốt chặn không cho người dân bán tràn ra đường. Mặc khác, phường cũng thường xuyên tổ chức các cuộc kiểm tra đột xuất tại khu vực trên và tiến hành thu gom, xử phạt đối với những người buôn bán lấn chiếm lòng đường.
Tuy nhiên, vì người dân nơi đây họ sống chủ yếu bằng nghề mua bán nên dù chúng tôi có ra sức kiểm tra và xử phạt thì cũng êm được một thời gian rồi lại tiếp diễn.
Ngoài ra, người dân từ các phường khác tập trung tại khu vực chợ này quá đông để mua đồ ăn dẫn đến tình trạng giao thông càng phức tạp hơn. Và việc đến chợ để mua thức ăn là thói quen của nhiều người, nên yêu cầu cấm một ngày một bữa là rất khó thực hiện.
Để giải quyết tình trạng lấn chiếm lòng đường thành chợ này, điều trước tiên phải thực hiện công tác tuyên truyền vận động để cả người bán lẫn người mua phải có ý thức không gây cản trở giao thông.
Bên cạch việc kiểm tra xử phạt, hiện phường cũng đang thực hiện công tác tuyên truyền đến tất cả những người dân phải có ý thức khi mua bán tại khu vực này. Việc tuyên truyền với hình thức cán bộ phường trực tiếp xuống giải thích nhắc nhở, dán hình ảnh, băng rôn để thực hiện lối sống văn minh, giữ an ninh trong khu vực.
Hiện khó khăn lớn nhất của phường là không có phương tiện vận chuyển mỗi khi xuống kiểm tra và thu giữ đồ đạc khi phát hiện vi phạm. Nếu đi kiểm tra bằng xe máy thì chỉ có chức năng đẩy đuổi không có hiệu quả cao, người dân dễ tái phạm, còn nếu thuê xe thì phường không có kinh phí.

Ông Vũ Quốc Bảo, phó chủ tịch UBND Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức:

Dẹp chợ lề đường: Chẳng lẽ bó tay? ảnh 2

Nhân lực 6 người, không đủ chốt chặn

Tuyến đường Hiệp Bình trên địa bàn phường từ lâu đã hình thành nên các điểm mua bán tự phát, gây cản trở giao thông cũng như làm mất đi vẻ mỹ quan đô thị. Từ thực trạng trên, hàng năm UBND phường đều triển khai kế hoạch riêng về lập lại trật tự lòng lề đường trên tuyến đường Hiệp Bình. Việc chấn chỉnh trật tự đô thị, sắp xếp giải tỏa các điểm mua bán tự phát trên tuyến đường Hiệp Bình và đường Song hành, khu phố 7 và khu phố 8 phường đã chỉ đạo cho các ban ngành tăng cường công tác kiểm tra, xử lý, xử phạt.

Trong quá trình thực hiện lập lại trật tự lòng lề đường trên tuyến đường Hiệp Bình gặp một số khó khăn nên chưa đạt được kết quả cao. Vì đường Hiệp Bình là tuyến đường liên phường nối giữa Quốc lộ 13 và tuyến đường Phạm Văn Đồng có mật độ tham gia giao thông cao. Dân cư sinh sống tại khu vực này đông, nhu cầu mua sắm sinh hoạt hàng ngày rất lớn. Trên địa bàn phường có 02 chợ truyền thống là chợ Bình Triệu và chợ Hiệp Bình Chánh, 02 chợ này lại nằm xa tuyến đường Hiệp Bình.

Các kế hoạch UBND phường luôn có công tác tuyên truyền vận động, tuy nhiên người buôn bán lấn chiếm lòng đường, vỉa hè thường là từ nơi khác đến nên công tác tuyên truyền chưa thực sự đạt được hiệu quả. Khi đi vào thực hiện các kế hoạch thì bước đầu thường đạt kết quả rất tốt, nhưng sau khi lực lượng của tổ công tác về thì tình trạng tái lấn chiếm lại diễn ra, nhân sự hiện tại của Tổ trật tự đô thị của phường hiện tại là 06 người. Với lực lượng như vậy là quá ít so với khối lượng công việc của phường nên công tác chốt chặn sau khi thực hiện kế hoạch chưa được đảm bảo.

Bên cạnh đó là ý thức chấp hành của một bộ phận người dân chưa cao, tổ công tác luôn gặp phải các hành vi chống đối, xúc phạm từ các đối tượng vi phạm. Mặc dù trên tuyến đường này có 03 siêu thị mini cung cấp các hàng đông lạnh, tươi sống tuy nhiên người dân vẫn chưa có thói quen giữ xe mua hàng tại đây, vẫn còn thói quen tiện đường dừng xe trên lòng đường để mua đồ.

Trong tháng 5/2015 UBND phường lên kế hoạch tổ chức tháo dỡ bục bệ, mái che, lều bạt, bảng hiệu xây dựng trái phép và lập lại trật tự đô thị trên tuyến đường Hiệp Bình.

Ông Vũ Thanh Hải, đội trưởng đội quản lý trật tự đô thị quận Gò Vấp:

Dẹp chợ lề đường: Chẳng lẽ bó tay? ảnh 3

16 phường, hết 10 phường có chợ tự phát

Tại quận Gò Vấp có 16 phường trong đó đã có trên 10 phường xuất hiện tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường và tuyến đường Phạm Văn Bạch, phường 12 đã tồn tại tình trạng trên hơn mười năm nay. Hàng năm, quận đều đưa ra kế hoạch để lập lại trật tự lòng lề đường, giải tỏa các khu vực và điểm kinh doanh buôn bán tự phát trên địa bàn quận. Theo đó, các phường triển khai tiến hành chốt chặn và xử lý khi xảy ra tình trạng buôn bán lấn chiếm. Tuy nhiên, do lực lượng của phường chưa đủ để túc trực 24/24 nên khi không thấy lực lượng thì người dân buôn bán trở lại. Đối với các tuyến đường liên phường và liên quận thì quận chỉ đạo cho các phường tự kết hợp với nhau để xử lý nhanh và kịp thời với những hành vi kinh doanh lấn chiếm. Vì việc mua bán lấn chiếm lòng đường là một thực trạng nên không thể dọn một ngày một bữa mà cần có thời gian dài. Để dẹp chợ tự phát trên các tuyến đường thì trước tiên phải vận động người dân không buôn bán lấn chiếm lòng đường và yêu cầu dời lên vỉa hè. Sau đó, phường và đội quản lý trật tự sẽ kẻ vạch sơn trên vỉa hè không cho buôn bán ngoài vạch. Tiếp đến, phường sẽ vận động người dân bán trước cửa.

*******

Theo Chỉ thị của UNBD TP.HCM, đến cuối năm 2015, tất cả các quận, huyện phải dẹp hết chợ tự phát tồn tại trên địa bàn quận, huyện của mình. Với thực trạng mà chúng tôi đã nêu, xem ra đây là "nhiệm vụ bất khả thi" của cơ quan chức năng?

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm