Như chúng tôi đã thông tin trên số báo ngày 21-10, hiện nay việc sử dụng camera để xử phạt người xả rác ở các địa phương trên địa bàn TP.HCM mỗi nơi sử dụng một kiểu. Có nơi mạnh dạn xử phạt qua camera, có nơi thì chưa dám vì luật chưa có quy định cụ thể.
Do đó, để có hành lang pháp lý vững chắc và pháp luật được áp dụng thống nhất thì việc bổ sung quy định sử dụng hình ảnh làm một trong các căn cứ để xử phạt là cần thiết.
Pháp luật cho phép xử phạt qua camera
Bà Nguyễn Thị Kim Liên, Trưởng phòng Công tác thi hành pháp luật và xử phạt vi phạm hành chính, Sở Tư pháp TP.HCM, cho biết hiện nay tại Nghị định 165/2013 đã có quy định lĩnh vực môi trường cũng là một trong những lĩnh vực được phép sử dụng các thiết bị để làm công cụ hỗ trợ cho việc xử phạt vi phạm hành chính.
Cụ thể, lực lượng cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, lực lượng thanh tra chuyên ngành và cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về bảo vệ môi trường là các đối tượng được trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ.
Chính vì thế, về mặt pháp lý thì việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường nói chung và xử phạt đối với hành vi xả rác thông qua các thiết bị như camera ghi hình là không bị vướng. Với những quy định trên, không quá khó để các địa phương xử phạt xả rác thông qua camera.
“Hiện luật không vướng về quy định xử phạt mà vướng ở chỗ nếu camera quay lại được hình ảnh người đổ rác thì có quay được mặt của người vi phạm hay không. Cơ quan chức năng có xác định được người đó là ai, ở đâu để mời lên làm việc và lập biên bản và xử phạt. Nếu những hình ảnh được camera ghi lại, xác định người và mời lên làm việc, người vi phạm thừa nhận hành vi của mình thì việc xử phạt hành vi xả rác thông qua camera hoàn toàn có thể thực hiện được” - bà Liên nhấn mạnh.
Camera trên đường Hồ Văn Tư (phường Trường Thọ, quận Thủ Đức) ghi lại thông tin biển số xe, hình ảnh người đàn ông chở rác đi đổ, từ đó làm cơ sở xử phạt. Đây là một trong số ít địa phương mạnh dạn xử phạt nguội người xả rác qua camera. Ảnh: HỮU ĐĂNG
… Nhưng cần cụ thể hóa quy định
Tuy nhiên, trước tình hình nhiều địa phương chưa dám xử phạt người xả rác thông qua ghi hình, TS Nguyễn Văn Tiến, Phó Trưởng khoa Dân sự, ĐH Luật TP.HCM, cho rằng lo ngại đó là có cơ sở.
Các quy định hiện hành cũng chỉ dẫn chiếu đến việc cho phép các lực lượng thanh tra về môi trường, cảnh sát về môi trường được sử dụng ghi âm, ghi hình để phục vụ cho công tác điều tra, xử lý. Còn về mặt thủ tục xử phạt hiện nay vẫn theo quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính, tức là mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Một hành vi vi phạm hành chính xảy ra thì sẽ bị lập biên bản tại chỗ và được cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt.
Quy định thì đã có nhưng việc áp dụng kết quả (băng ghi hình, ghi âm) để xử phạt vi phạm hành chính thì chưa rõ ràng, việc xử lý còn gặp khó khăn. Do đó, nếu quy định này được bổ sung trong Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 155/2016 sẽ tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các địa phương áp dụng để xử phạt các hành vi xả rác không đúng quy định.
Theo luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM, cũng cho rằng mặc dù Luật Xử lý vi phạm hành chính hay Nghị định 155/2016 đã có quy định về sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật trong việc phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nhưng nó còn khá chung chung. Nếu áp dụng những quy định hiện hành này vào để xử phạt các trường hợp về xả rác thì chưa phải là căn cứ pháp lý vững chắc.
Đối tượng đổ rác trộm thì hành tẩu rất nhanh, đội ngũ cán bộ không thể dàn trận 24/24 giờ để canh bắt quả tang. Camera là biện pháp hữu hiệu để làm chứng cứ bước đầu cho việc xử phạt những người xả rác bậy.
Do đó, trước tình hình các địa phương ngày càng được trang bị nhiều camera giám sát thì việc bổ sung quy định cụ thể cho phép dùng hình ảnh làm căn cứ xử phạt các trường hợp xả rác là điều cần làm sớm để các địa phương yên tâm áp dụng, trị nạn xả rác.
Cần bổ sung quy định mới tự tin khi xử phạt Lâu nay phường chúng tôi vẫn có gắn camera để theo dõi người xả rác trộm. Tuy nhiên, hình ảnh từ camera chỉ để tham khảo, nắm bắt quy luật, thời gian hoạt động của đối tượng đổ rác trộm có tính thường xuyên. Từ hình ảnh đó, đội ngũ cán bộ phường đi canh để bắt quả tang rồi lập biên bản, ra quyết định xử phạt. Trong khi nguyên tắc xử phạt hành chính thì phải ngăn chặn kịp thời, phạt nguội qua camera thì sợ không đảm bảo nguyên tắc này. Nếu xử phạt người xả rác qua camera rất dễ dẫn đến khiếu nại nên chúng tôi chưa dám áp dụng. Để có hành lang pháp lý vững chắc, chúng tôi kiến nghị các cơ quan chức năng của TP như Sở Tư pháp, Sở TN&MT xem xét, đề xuất bổ sung quy định được áp dụng hình ảnh từ camera, điện thoại thông minh để xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường quy định tại dự thảo sửa đổi Nghị định 155/2016 đang được lấy ý kiến góp ý. Bà TRỊNH NGÂN HÀ, Phó Chủ tịch UBND phường 17, quận Gò Vấp, TP.HCM |