Tờ The Washington Post dẫn nhiều nguồn tin nội bộ cho biết Ủy ban Hành động chính trị (PAC) Save America của cựu Tổng thống Donald Trump vốn hoạt động hỗ trợ cho chiến dịch tái tranh cử của ông vào năm sau đã phải chi hơn 40 triệu USD liên quan chi phí pháp lý trong nửa đầu năm nay. Trong khi đó, hàng loạt vụ kiện nhắm vào ông Trump vẫn chưa ngã ngũ.
Chi tiêu pháp lý và tranh cãi
Số tiền 40 triệu USD mà Save America chi cho phí pháp lý kể từ đầu năm đến nay nhiều hơn gấp đôi con số ủy ban này đã chi cho phí pháp lý trong cả năm 2022 là 16 triệu USD. Nguồn quỹ của Save America chủ yếu do những người ủng hộ ông Trump đóng góp, theo đài CNN.
Ủy ban của ông Trump lập luận rằng trong bối cảnh các rắc rối pháp lý liên quan đến cựu tổng thống và các cộng sự của ông gia tăng, việc chi một khoản lớn phí pháp lý là điều cần thiết.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc vận động tranh cử ở bang Pennsylvania ngày 29-7. Ảnh: REUTERS |
Ngoài các khoản chi phí pháp lý cho ông Trump, theo người phát ngôn của vị cựu tổng thống - ông Steven Cheung, số tiền này còn được chi để bảo vệ “những người Mỹ vô tội đã làm việc cho Tổng thống Trump” và đang bị Bộ Tư pháp theo đuổi kiện tụng họ. Ban lãnh đạo Save America hỗ trợ phí pháp lý để đảm bảo họ được đại diện pháp lý đầy đủ, “chống lại những hành động bất hợp pháp của Bộ Tư pháp” nhắm vào họ.
Theo tờ The New York Times, sau khi thua cuộc bầu cử năm 2020, thông qua Save America ông Trump đã huy động được hơn 100 triệu USD từ phía cử tri ủng hộ. Ông Trump nói ông cần sự ủng hộ để chống lại “sự gian lận tràn lan trong cuộc bầu cử”.
Ông Trump đã sử dụng một phần trong số 100 triệu USD đó để chi trả cho một số hoạt động chính trị trong năm 2022, cũng như để chi trả 16 triệu USD phí pháp lý phát sinh trong năm đó.
Đang có sự chia rẽ trong nội bộ các chuyên gia tài chính của ông Trump rằng liệu ông Trump có thể tiếp tục sử dụng tiền từ Ủy ban Hành động chính trị Save America để thanh toán các hóa đơn pháp lý cá nhân của mình hay không khi ông hiện đã chính thức trở thành ứng cử viên tổng thống.
Đầu năm nay, ông Trump đã bắt đầu chuyển một tỉ lệ phần trăm lớn hơn trên mỗi USD mà ông huy động được trực tiếp từ chiến dịch tranh cử của mình và sang Save America. Từ khi bắt đầu chiến dịch tranh cử cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2024, ông Trump đã chuyển vào Save America 99 xu trên mỗi USD ông huy động được trực tuyến cho chiến dịch tranh cử của mình. Hiện ông Trump đã thay đổi công thức đó, dành tới 90 xu trên mỗi USD cho chiến dịch và chỉ chuyển 10 xu cho Save America.
Save America hiện đang gây một quỹ bảo vệ pháp lý để giúp bù đắp một số hóa đơn khổng lồ phát sinh. Quỹ này dự kiến có tên Quỹ Bảo vệ pháp lý yêu nước và sẽ được dùng để chi trả cho một số trợ lý, nhân viên hiện tại và trước đây của ông Trump - những người đang bị cuốn vào các cuộc điều tra khác nhau liên quan cựu tổng thống. Người lãnh đạo quỹ dự kiến là cố vấn của ông Trump - ông Michael Glassner.
Ông Trump đang vướng phải những vụ kiện nào?
Từ đầu năm đến nay, ông Trump hai lần bị truy tố và phải ra trình diện trước tòa.
Hồi tháng 4, ông Trump bị truy tố với 34 cáo buộc làm sai lệch hồ sơ kinh doanh, liên quan việc trả tiền bịt miệng ngôi sao phim người lớn Stormy Daniels. Số tiền này được cho là để mua sự im lặng của bà Daniels trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.
Dù bản chất khoản tiền như vậy không bất hợp pháp nhưng việc chi từ khoản dùng hỗ trợ chiến dịch tranh cử tổng thống nhưng không tiết lộ mục đích dùng số tiền đó là vi phạm luật tài chính chiến dịch liên bang của Mỹ.
Vận động tranh cử ở bang Pennsylvania ngày 31-7, ông Trump kêu gọi các ứng viên Cộng hòa khác rút lui nhường chỗ cho ông trong cuộc đua lần này. Ông cũng kêu gọi dừng mọi khoản viện trợ cho Ukraine đến khi chính quyền ông Biden hợp tác với Quốc hội trong cuộc điều tra các cáo cuộc tham nhũng của gia đình ông Biden, theo hãng tin AP.
Mỗi tội danh này có mức án tối đa là bốn năm tù nhưng các chuyên gia cho rằng ông Trump khó có thể bị bỏ tù nếu bị kết án trong trường hợp này và nhiều khả năng sẽ chỉ bị phạt tiền. Trình diện trước tòa án ở New York, ông Trump không nhận tội và sẽ hầu tòa vào tháng 3 năm sau.
Ngày 9-6, các công tố viên công bố bản cáo trạng gồm 49 trang, cáo buộc ông Trump mang “hàng trăm” tài liệu mật của chính phủ đến dinh thự riêng ở bang Florida. Hàng ngàn tài liệu đã bị Cục Điều tra Liên bang Mỹ tịch thu tại dinh thự Mar-a-Lago của ông Trump ở Florida vào năm ngoái, trong đó có khoảng 100 tài liệu được đánh dấu là mật.
Bản cáo trạng gồm 37 cáo buộc, trong đó có 31 cáo buộc liên quan đến hành vi cố ý lưu giữ thông tin quốc phòng. Trong phiên trình diện trước tòa ở Miami hôm 13-6, ông Trump không nhận tội liên quan đến việc giữ tài liệu mật.
Ngày 27-7, các công tố viên mở rộng vụ kiện với ông Trump, liên quan vụ cất giữ tài liệu mật. Công tố viên đặc biệt Jack Smith trình thêm ba cáo buộc mới, đưa tổng số cáo buộc chống lại ông Trump trong vụ tài liệu mật lên 40.
Những cáo buộc này - về lý thuyết có thể khiến ông Trump ngồi tù rất lâu nếu bị kết án. Nhìn vào nội dung của luật, chẳng hạn các tội danh theo Đạo luật Gián điệp, mỗi tội danh có mức án tối đa là 10 năm. Các tội danh khác, liên quan đến âm mưu và giữ lại hoặc che giấu tài liệu, mỗi tội danh có mức án tối đa là 20 năm.
Tuy nhiên, trên nhiều phương diện an ninh và chính trị thì việc bỏ tù một cựu tổng thống thường được nhiều chuyên gia coi là khó xảy ra. Ông Trump đã tuyên bố không nhận tội với tất cả cáo buộc và phiên tòa sẽ bắt đầu vào tháng 5 năm sau.•
Vụ tài liệu mật ông Trump khác gì bà Clinton, ông Pence, ông Biden?
Trong vụ tài liệu mật, cựu Tổng thống Donald Trump lập luận rằng ông đã giải mật tất cả tài liệu mà ông bị cho là lưu giữ trái phép tại nhà riêng. Tuy nhiên, đội ngũ pháp lý của ông Trump không cung cấp được bằng chứng chứng minh việc này.
Luật sư của ông Trump cho rằng vị cựu tổng thống đang là mục tiêu của một kế hoạch nhằm lật đổ ông do các chính trị gia khác thực hiện. Các luật sư ông Trump nhắc tới sự việc cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, cựu Phó Tổng thống Mike Pence và Tổng thống đương nhiệm Joe Biden cũng giữ một số lượng tài liệu mật sau khi rời chức vụ nhưng chưa bao giờ bị cáo buộc, bị truy tố.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng trường hợp của cựu tổng thống có nhiều điểm khác biệt bởi các chính trị gia khác sẵn sàng trả lại bất kỳ tài liệu nào họ có, trong khi các công tố viên cáo buộc ông Trump cố ý trì hoãn.