Một bộ phim khác cũng khai thác đề tài vụ án này, tuy mới chuẩn bị công chiếu nhưng đã nổi đình nổi đám. Đó là phần 2 của phim Scandal - Bí mật thảm đỏ (tức Scandal 1) của đạo diễn Việt kiều Victor Vũ rất ăn khách chiếu hai năm trước. Phần 2 là phim Scandal - Hào quang trở lại (Scandal 2) nhưng cũng lấy ý tưởng từ vụ án Thẩm mỹ viện Cát Tường, với poster rất ghê rợn: Một bác sĩ đồ tể xé đôi mặt một phụ nữ! Và những trailer với các hình ảnh khuôn mặt phụ nữ biến dạng do giải phẫu thẩm mỹ, rồi khuôn mặt cháy đen…
Ở đây chưa nói đến giá trị nghệ thuật của hai bộ phim mà chỉ nhắc đến cái ý tưởng khai thác đề tài vụ án nhạy cảm này để làm phim “ăn theo”, bất chấp sự đau buồn của những người thân nạn nhân, nó có cái gì bất nhẫn, nếu không nói là thiếu đạo đức. Trên poster của phim Mất xác còn in cảnh tay “bác sĩ đồ tể” hai tay cầm dao, mặt đằng đằng sát khí chuẩn bị đâm chém một người đối diện. Phía dưới ảnh này còn in câu: “Không vớt được xác, không thể kết tội giết người”. Không hiểu poster phim in câu này với ý gì? Phim vừa công chiếu nhưng trên các trang mạng xã hội đã có nhiều phê phán những người thực hiện bộ phim Mất xác đã quá vô cảm khi ăn theo một vụ án mạng thương tâm, bất kể đến sự đau khổ của những người thân chị Huyền khi lấy tên phim làMất xác. Một số khác thì phản ứng lại, cho rằng chuyện làm phimMất xác không vi phạm đạo đức nghề nghiệp bởi sự việc đó đã được các phương tiện truyền thông đăng tải ròng rã suốt một thời gian dài…
Thực vậy, hiện nay có nhiều tờ báo in và các trang báo mạng chuyên khai thác chuyện giật gân, chẳng cần quan tâm tới những nỗi đau của thân nhân nạn nhân trong các vụ án. Kể cả thân nhân - đặc biệt là con cái những kẻ phạm tội - phải đeo nỗi mặc cảm khi ra ngoài xã hội. Họ cũng trở thành nạn nhân của các phương tiện truyền thông câu khách, dù không ác ý cũng đã gây tổn thương cho những người vô tội. Nhớ một câu nói rất nổi tiếng của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt: “Không ai có thể chọn cửa nhà để sinh ra”. Đâu có ai muốn làm con em của tội phạm. Thế nhưng nhiều em nhỏ đã phải bỏ học vì tên tuổi, hình ảnh cùng hành vi phạm tội của cha mẹ hoặc người thân các em được đăng tải, mô tả từng chi tiết trên nhiều phương tiện truyền thông - hầu hết từ những tờ báo chuyên khai thác chuyện giật gân, giật tít ra trang bìa, bên cạnh rất nhiều báo mạng cũng tham gia đăng tải, thêm mắm thêm muối. Tất cả là để câu khách bán được báo và tăng lượng người truy cập, tăng thu nhập từ quảng cáo, không cần quan tâm gì đến số phận các “nạn nhân” vốn là thân nhân của các bị cáo! Đã có trường hợp con của một bị cáo trong một vụ án hình sự bị stress, bỏ học rồi tự tử vì không chịu được những ánh mắt nhìn ngó, soi mói của những người chung quanh.
Ngày 15-8 vừa qua, Bộ Thông tin-Truyền thông đã quyết định tạm đình chỉ ba tháng và phạt 207 triệu đồng đối với báo điện tử Trí Thức Trẻ vì báo đã đăng bài viết “Gái miền Tây và 3 chữ N nổi danh thiên hạ” gây bức xúc trong dư luận vì có tính chất chia rẽ vùng miền. Qua sự việc này, thiết nghĩ Bộ Thông tin-Truyền thông nên mạnh tay đối với những trang báo mạng và một số báo in chuyên giật tít câu khách rẻ tiền, đăng bài viết khai thác đời tư những người có liên quan tới các vụ án với những tình tiết đôi khi được thổi phồng, cường điệu gây những hiệu ứng xấu dây chuyền trong xã hội.
PHẠM CHU SA