Từ sau Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 18, bộ phim đoạt giải Bông sen vàng Những người viết huyền thoại có số phận như những phim khác làm bằng vốn nhà nước, chật vật tìm cách ra rạp. Ê-kíp thực hiện đã tự vận động tìm tài trợ để có được 2 buổi chiếu chiêu đãi và “tiếp tục tìm tài trợ để phim được công chiếu rộng rãi” - chia sẻ của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng.
Một cảnh trong phim Những người viết huyền thoại (Ảnh do Hãng phim Truyện Việt Nam cung cấp)
Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng cho biết thêm anh thực hiện bộ phim này trong suốt gần nửa năm tại các tỉnh phía Bắc, cung đường Trường Sơn nhưng mất đến 1 năm cho phần hậu kỳ. “Có lẽ đây là bộ phim điện ảnh đầu tiên của nhà nước được đầu tư vẽ toàn bộ câu chuyện trước khi dựng thành phim. Những gì diễn ra trên màn ảnh không khác gì bản vẽ của họa sĩ Nguyễn Nguyên Vũ. Cả máy bay trực thăng chúng tôi cũng đo đúng tỉ lệ của chiếc UH1H của Bảo tàng Quân đội để làm kỹ xảo 3D cho những cảnh chiến đấu trên phim” - đạo diễn Bùi Tuấn Dũng nói.
Những người viết huyền thoại khai thác bối cảnh những năm sau trận chiến Mậu Thân 1968, khi Tổng cục Hậu cần yêu cầu cần phải có xăng dầu tiếp viện cho chiến trường miền Nam. Cung đường Trường Sơn trở thành trọng điểm chia cắt, ném bom tàn phá của địch. Xuyên suốt phim là những cuộc oanh tạc, đột kích không khoan nhượng của kẻ thù. Một hiện thực lịch sử hào hùng mà khốc liệt, bi thương được tái dựng trên màn ảnh. Chỉ vài phút là lại có một trận oanh tạc, liên tục là những hy sinh mất mát, cảm xúc người xem mỗi lúc một nâng dần lên từ hình ảnh những nữ dân quân ngã xuống trong chớp mắt đến những người lính mà sinh mạng chỉ có thể đếm từng ngày, từng phút, từng giây. Cả vai chính lẫn vai phụ đều phải “chết” để giá trị của mất mát, hy sinh được nâng lên tầng mức cao nhất của cuộc chiến tranh.
“Tôi cũng từng tham gia kháng chiến, 7 năm ở trong rừng nên hiểu thế nào là đau thương, mất mát, hy sinh. Những người viết huyền thoại đã thể hiện được những điều bi hùng đó bằng cách kể chuyện mạch lạc. Một bộ phim chiến tranh từ đầu đến cuối không khiến người xem cảm thấy khó chịu. Mọi thứ đều tràn đầy cảm xúc” - đạo diễn Việt Linh nhận xét.
Ngoài một “vùng chiến khốc liệt”, phim cũng xây dựng nhiều tình tiết nhẹ nhàng, lãng mạn, trong trẻo, hài hước giữa những chiến sĩ, các nữ dân quân, hậu phương và cả sự hồn nhiên đáng yêu của trẻ con trong chiến tranh.
Hai suất chiếu hiếm hoi nhưng ít nhiều thỏa lòng mong đợi của báo giới, còn khán giả TP HCM vẫn chờ để được thưởng thức bộ phim có giá trị “Bông sen vàng” này.