Chương trình đối thoại “Phim cải biên từ sách: Từ nguồn cảm hứng đến kịch bản Điện ảnh” được Doanh nghiệp xã hội Memento Mori Vietnam phối hợp với CLB Sân khấu và Điện ảnh tổ chức tại ĐH KHXH&NV TP.HCM.
Chương trình có sự tham gia của TS. Đào Lê Na - Trưởng bộ môn Sáng tác và Phê bình Sân khấu – Điện ảnh (khoa Văn học, trường ĐH KHXH&NV), đạo diễn Marcus Mạnh Cường Vũ.
Dùng ngôn ngữ điện ảnh để truyền tải thông điệp
Vào ngày 7-10, Memento Mori: Đất – phim điện ảnh do Marcus Mạnh Cường Vũ đạo diễn sẽ ra mắt với khán giả Việt Nam. Memento Mori: Đất được cải biên từ tác phẩm văn học Điểm đến của cuộc đời của TS. Đặng Hoàng Giang, nói về các nạn nhân ung thư và người thân của họ.
Lý giải về nguyên nhân lựa chọn Điểm đến của cuộc đời để cải biên thành phim điện ảnh, Marcus Mạnh Cường Vũ chia sẻ anh ấn tượng với việc tác giả Đặng Hoàng Giang đã thể hiện câu chuyện người ung thư cận tử bằng chính trải nghiệm của mình với họ.
Đạo diễn Marcus Mạnh Cường Vũ chia sẻ những quan điểm về quá trình làm phim cải biên từ sách. Ảnh: BTC. |
Theo trải nghiệm của Marcus Mạnh Cường Vũ, Điểm đến của cuộc đời khiến độc giả gặp khó khăn để đọc một cách liền mạch vì họ bối rối khi phải đối mặt với nỗi đau của bản thân, từ đó khiến họ khó mở ra trang đầu tiên của quyển sách. Bởi thế, ông Vũ mong muốn dùng chất liệu là ngôn ngữ điện ảnh để khai thác Điểm đến của cuộc đời, đưa tinh thần và thông điệp của tác phẩm đến với khán giả đại chúng.
Đạo diễn Marcus Mạnh Cường Vũ cho hay trong quá trình viết kịch bản, ông đã liên lạc với TS. Đặng Hoàng Giang để trao đổi và nhận được sự tôn trọng, ủng hộ của ông.
“Ban đầu khi tôi gửi văn bản, anh Giang đã bất ngờ vì những gì tôi viết rất là khác với những gì anh Giang đã hình dung. Tuy nhiên anh Giang đã rất tôn trọng và đóng góp cho mình những ý kiến rất quan trọng. Anh nói “những gì em dùng thì nó là của em nên em hãy cứ làm đi”" – đạo diễn nhớ lại.
"Phim cải biên là quá trình đọc sách của nhà làm phim"
Chia sẻ về khái niệm “phim cải biên”, TS. Đào Lê Na cho biết cần phân biệt “cải biên” và “chuyển thể”, theo đó dùng từ “cải biên” là chính xác nhất khi bàn đến việc làm phim lấy chất liệu từ sách.
TS. Đào Lê Na làm rõ khái niệm phim “cải biên”. Ảnh: BTC. |
“Cải biên có nghĩa là thay đổi. Dùng từ “cải biên” để khán giả có thể thoải mái tiếp nhận tác phẩm điện ảnh, xem lại cách đọc của nhà làm phim và xem cách thể hiện lại tác phẩm văn học bằng ngôn ngữ điện ảnh.
Nhiều người nói “chuyển thể” là đưa từ sách lên phim, nghĩa là nội dung phải trung thành, không được thay đổi. Dùng từ “chuyển thể” khiến người xem áp đặt rằng phim phải giữ nguyên nội dung, chỉ được thay đổi hình thức. Tuy nhiên không có quy định như vậy.
Nếu yêu cầu giống 100% thì tác phẩm điện ảnh trở thành tác phẩm minh họa cho quyển sách, thế nhưng nhà làm phim không phải là người minh họa” – TS. Đào Lê Na phát biểu.
Cũng theo bà Na, việc làm phim cải biên rất khó để nhận định là “trung thành” với nguyên tác. Bà lý giải rằng phim điện ảnh và tác phẩm văn học có thời lượng, chất liệu khác nhau.
Cụ thể, tác phẩm văn học có độ dài khoảng 100-200 trang thậm chí đến hàng nghìn trang, dùng ngôn từ để bộc lộ, “có đất” để thể hiện nhiều vấn đề. Tuy nhiên, tác phẩm điện ảnh chỉ có thể gói gọn từ 1 giờ 30 phút đến 2 giờ đồng hồ, không thể đưa hết các chi tiết, tình tiết từ sách lên phim. Bởi thế, nhà làm phim cần chắt lọc, lựa chọn nội dung cần truyền tải để thể hiện được tinh thần của nguyên tác mà vẫn không bị lan man.
Về sự tự do sáng tạo khi làm phim cải biên từ sách dưới góc nhìn của đạo diễn, TS. Đào Lê Na cho biết, một tác phẩm văn học có thể được cảm thụ dưới nhiều góc độ khác nhau.
“100 người tiếp cận 1 quyển sách thì sẽ ra 100 quyển sách khác nhau. Con người không xuất phát từ những trải nghiệm, nền tảng, văn hóa… giống nhau. Bất kỳ quyển sách nào cũng mang đến những trải nghiệm khác nhau với người đọc khác nhau. Thế nên, khi xem phim từ tác phẩm văn chương là xem quá trình đọc sách của nhà làm phim. Khi xem phim cải biên góp phần mở rộng cách nhìn của người xem về tác phẩm văn chương, đưa người xem đọc lại tác phẩm ấy theo cách khác” – bà Na chia sẻ.
Theo TS. Đào Lê Na, xem phim cải biên cần phải thoải mái và nhìn phim với ngôn ngữ điện ảnh, xem nhà làm phim đối thoại như thế nào với tác phẩm điện ảnh. Hơn hết, để có một phim hay, cần cho nhà làm phim không gian để sáng tạo.
“Chính vì tư duy làm phim phải giống với nguyên tác khiến các nhà làm phim sợ làm sai lệch tác phẩm văn chương và bị phán xét nên không có sự tự do cởi mở khi làm phim cải biên” – bà Na nhận định.
“Nhà làm phim cần phải dũng cảm”
Trao đổi với PLO, trước việc tự do sáng tạo có thể gây tranh cãi và một số phim cải biên từ sách cũng đã gặp thất bại, đạo diễn Marcus Mạnh Cường Vũ cho hay nhà làm phim cần sẵn sàng đối mặt với những ý kiến trái chiều từ khán giả.
“Nếu làm phim mà vẫn sợ hãi thì tốt nhất là không nên làm. Nhà làm phim cần phải dũng cảm và sẵn sàng đối mặt với những đóng góp từ người xem” – ông Vũ khẳng định.
Bên cạnh đó, đạo diễn Marcus Mạnh Cường Vũ chia sẻ mình luôn xem trọng đạo đức trong quá trình làm phim và tạo điều kiện để các diễn viên thoải mái thể hiện.
Sự kiện thu hút sự quan tâm của nhiều sinh viên. Ảnh: BTC |
"Tôi muốn lan tỏa rộng khắp thông điệp, tinh thần của tác phẩm chứ không bó hẹp vào một bộ phận nào" – ông Vũ chia sẻ.
Memento Mori: Đất là phim điện ảnh Việt Nam duy nhất trong danh sách 10 tác phẩm được Ban Tổ chức LHP quốc tế Busan lựa chọn tranh giải tại hạng mục New Currents. “Memento Mori: Đất có chủ đề nặng ký về sự sống và cái chết, được truyền tải bằng những hình ảnh tuyệt mỹ” - LHP Busan nhận xét về tác phẩm của Marcus Mạnh Cường Vũ.