Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bến Tre: 'Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ'

Lãnh đạo các tỉnh miền Tây bàn về phục hồi kinh tế - Bài 5

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bến Tre: 'Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ'

(PLO)- Năm 2022, Bến Tre đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế GRDP cao nhằm tạo tiền đề cho phát triển và tăng trưởng trong cả giai đoạn.

Trong năm 2021, dịch bệnh đã tác động toàn diện đến việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bến Tre, nhất là chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế GRDP. Cả quý III-2021 tăng trưởng âm hơn 14%, dẫn đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh cả năm 2021 chưa đạt (dù GRDP đã tăng trưởng dương, đứng thứ 7/13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL).

Với quyết tâm cao nhất, tỉnh chọn kịch bản tăng trưởng GRDP từ 6% trở lên để tạo đà cho những năm tiếp theo. Ông Nguyễn Trúc Sơn, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM xung quanh việc này.

. Phóng viên: Mục tiêu GRDP từ 6% trở lên trong năm 2022 trong khi quý III-2021 âm rất sâu là một thách thức lớn, vậy tỉnh đã có giải pháp nào để đạt được điều này, thưa ông?

+ Ông Nguyễn Trúc Sơn: Cả hệ thống chính trị và người dân đồng lòng, đoàn kết, tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong năm 2022 theo tinh thần nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và kế hoạch của UBND tỉnh. Chúng tôi sẽ tập trung huy động nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh xuất nhập khẩu và mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.

Bến Tre cũng sẽ thực hiện quyết liệt giải pháp về chính sách thuế, tín dụng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN), người dân phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư, nhất là đầu tư công và hỗ trợ triển khai các dự án đầu tư ngoài ngân sách (các dự án phát triển đô thị, điện gió, khu công nghiệp, hạ tầng giao thông, thủy lợi...).

Tập trung khôi phục các hoạt động dịch vụ, nhất là kinh tế du lịch, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; chủ động và tích cực hội nhập để tranh thủ cơ hội xúc tiến, huy động đầu tư và xúc tiến thương mại.

. Để đạt mục tiêu phục hồi kinh tế, việc hỗ trợ DN là yếu tố then chốt, tỉnh thực hiện việc hỗ trợ DN ra sao, thưa ông?

+ Thời gian qua, Bến Tre đã triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ cho DN phục hồi sản xuất trong điều kiện bình thường mới, vừa sản xuất an toàn vừa phòng chống dịch hiệu quả; kết nối lại chuỗi cung ứng hàng hóa phục vụ thị trường tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.

Tỉnh ưu tiên tiêm vaccine cho lực lượng tuyến đầu, các công nhân trong khu, cụm công nghiệp và người lao động (NLĐ) để DN sớm phục hồi các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm ổn định thu nhập cho NLĐ. Đến nay, phần lớn các DN đã dần ổn định sản xuất trong tình hình mới, trên 96% DN đã hoạt động trở lại...

Trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, Bến Tre đang tập trung hỗ trợ DN, hợp tác xã và hộ kinh doanh, tỉnh luôn đồng hành, chia sẻ, sát cánh cùng cộng đồng DN.

Thời gian tới, Bến Tre tập trung kết nối thị trường, tạo điều kiện thuận lợi nhất để DN duy trì thị trường tiêu thụ tiềm năng và mở rộng thị trường mới. Đồng thời hỗ trợ DN tham gia vào các cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị khu vực và thế giới để mở rộng thị trường, gia tăng tiêu thụ sản phẩm hàng hóa và xuất khẩu.

Bến Tre cũng đang nghiên cứu, xây dựng cơ chế hỗ trợ DN khởi nghiệp, DN dẫn đầu tại địa phương; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh... để các thành phần kinh tế cùng phát triển.

Tập trung hỗ trợ các DN, hợp tác xã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xúc tiến thương mại trên môi trường số, thương mại điện tử để giới thiệu, quảng bá thương hiệu sản phẩm, DN, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường.

Tiếp tục kết nối tiêu thụ sản phẩm của các DN, hợp tác xã của tỉnh với các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước; tập trung đào tạo nguồn nhân lực để cung ứng lao động cho các DN, nhất là DN trong các khu, cụm công nghiệp...

. Ông vừa đề cập đến việc đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề, chuyên môn, chất lượng để cung ứng lao động cho các DN... Vậy tỉnh có giải pháp nào cho số lao động trở về địa phương trong đại dịch vừa qua?

+ Lãnh đạo tỉnh chia sẻ khó khăn chung mà NLĐ đã và đang đối diện trong đợt đại dịch và làm hết sức để giảm nhẹ khó khăn cho người dân. Bến Tre đã triển khai nhanh chóng, kịp thời các chế độ, chính sách hỗ trợ NLĐ trở về địa phương bằng nguồn ngân sách và vận động các nguồn lực xã hội với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Nhằm tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho NLĐ, tỉnh sẽ tập trung rà soát nhu cầu tuyển dụng của DN để kết nối, giới thiệu việc làm, nhất là tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tổ chức các phiên giao dịch việc làm, thông tin đầy đủ về các chính sách bảo hiểm cho NLĐ, giới thiệu thị trường lao động tiềm năng... giúp NLĐ tìm được việc làm phù hợp với năng lực.

Và hơn hết, tỉnh sẽ tạo cơ hội để DN, hộ kinh doanh hoạt động hiệu quả, tạo cơ hội việc làm cho tất cả người dân, đây là chương trình an sinh bền vững và tốt nhất.

. Trong phát triển bền vững có việc liên kết vùng, ông kỳ vọng và đề xuất gì về vấn đề này?

+ Bến Tre rất quan tâm và luôn chủ động, trách nhiệm trong triển khai thực hiện các hoạt động liên kết vùng nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế sẵn có của các địa phương, góp phần từng bước đưa vùng ĐBSCL trở thành khu vực phát triển nhanh và năng động.

Đại dịch đã và đang đặt ra những thách thức không nhỏ cho vùng ĐBSCL, vì vậy những vấn đề liên quan đến lợi ích hay thách thức của vùng đều cần sự hợp tác, bổ trợ, chia sẻ của cả “13 mảnh ghép”.

Bến Tre luôn mong muốn cùng các địa phương thực hiện hiệu quả, rõ nét hơn một số hoạt động liên kết vùng như xây dựng được chuỗi cung ứng hàng hóa, liên kết thị trường giữa các địa phương theo ngành hàng, nhóm hàng để tạo năng lực cạnh tranh cho kinh tế vùng.

Về giao thông, tỉnh mong muốn phát triển hệ thống giao thông kết nối liên vùng, nhất là triển khai tuyến đường bộ ven biển phía đông vùng ĐBSCL. Dự án này sẽ giúp kết nối giao thông tuyến hành lang kinh tế ven biển, nâng cao hiệu quả tài nguyên biển và vùng ven biển, thu hút đầu tư tạo động lực phát triển cho các địa phương.

Cùng với đó là khai thác các lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do để phát triển và vận hành trung tâm lưu chuyển hàng hóa, trung tâm logistics, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ thương mại trong vùng, liên vùng…

. Xin cám ơn ông.

Đọc thêm