Trong hai ngày 27 và 28-10, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPN VN) phối hợp với một số cơ quan tổ chức hội thảo “Trao đổi thông tin, kinh nghiệm và đề xuất giải pháp phòng chống mua bán người, phòng chống bạo lực gia đình và thực hiện bình đẳng giới”. Cùng thời điểm, sáng 27-10, Quốc hội đã thảo luận ở tổ về dự án Luật Phòng chống mua bán người.
Lừa đảo bán nội tạng
Theo thống kê của Chương trình hành động phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em giai đoạn 2004-2010, số nạn nhân bị mua bán đã lên tới 4.793 người. Có 1.949 vụ mua bán bị phát hiện, 3.543 đối tượng bị xử lý. Số vụ mua bán người tập trung chủ yếu trên tuyến biên giới Việt -Trung (chiếm 65%). Tuyến biên giới Việt-Campuchia chiếm 11% số vụ. Tuyến biên giới Việt-Lào chiếm 6,5% số vụ. Bọn tội phạm còn lợi dụng đường hàng không, đường biển để buôn bán nạn nhân ra nước ngoài.
Theo Đại tá Lê Văn Chương, Phó Chánh Văn phòng thường trực Phòng chống tội phạm và ma túy - Bộ Công an, có những cảnh báo đáng lo ngại về những biến tướng của nạn mua bán người. Giai đoạn năm 1998-2005, tỉ lệ học sinh, sinh viên là nạn nhân của nạn mua bán người chỉ chiếm 0,78% thì từ năm 2005 đến nay đã tăng lên 7,5% (gấp gần 10 lần). Bọn tội phạm thông qua mạng Internet, điện thoại di động để lừa những người có trình độ học vấn cao ở đô thị. Ngoài ra, chúng còn thiết lập các đường dây mua bán, đường dây gái gọi qua mạng, tổ chức các chuyến du lịch tình dục xuyên quốc gia. Cạnh đó là nạn lừa đảo, bán nội tạng nạn nhân cho các bệnh viện tư của Trung Quốc cũng là một biến tướng của nạn mua bán người. Đại tá Chương nhắc đến trường hợp đau lòng của nạn nhân Tô Công Luân, một sinh viên trú tại Ninh Phước (Ninh Thuận), đã bị dụ dỗ sang Trung Quốc bán thận với giá rẻ và bị tử vong sau khi về nước.
Tỉ lệ học sinh, sinh viên là nạn nhân của nạn buôn bán người tăng nhanh. Trong ảnh: 13 người bị bắt giữ trong nhóm tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em bị Công an quận Đống Đa, Hà Nội triệt phá năm 2010. Ảnh: Thanh Tú
Chỉ 30% số nạn nhân được nhận hỗ trợ
Theo thống kê của Bộ Công an, từ năm 2004 đến 2010, có 1.450 nạn nhân của nạn mua bán người được giải cứu và hơn 3.000 nạn nhân được tiếp nhận hồi hương. Tuy nhiên, chỉ 30% số nạn nhân sau khi trở về được nhận hỗ trợ từ kinh phí của nhà nước, số còn lại đang trong quá trình điều tra, khảo sát để tiến hành hỗ trợ.
Đại diện Hội LHPN VN cho biết trong thời gian bị lừa bán, nhiều người bị ép lao động vất vả, bị bán vào động mại dâm, bị ép uống thuốc ngừa thai vĩnh viễn, nhiều người sức khỏe suy giảm, mắc các bệnh xã hội… Trở về không lấy được chồng, không có việc làm, không có vốn để sản xuất, có chị còn mang theo con nhỏ nên kinh tế hết sức khó khăn. Thêm vào đó là thái độ tự ti, mặc cảm, ngại tiếp xúc với mọi người nên các cơ quan, ban ngành khó tiếp xúc với đối tượng để có thể can thiệp trực tiếp.
Tháng 8-2010, Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 113 quy định mức chi dành cho việc hỗ trợ nạn nhân của nạn mua bán người. Theo đó, những nạn nhân được tiếp nhận tại cơ sở tiếp nhận hoặc cơ sở hỗ trợ sẽ được trợ cấp quần áo, vật dụng cá nhân cần thiết, mức chi không quá 200.000 đồng/người. Khi lưu lại các cơ sở này, nạn nhân được chi tiền ăn với mức 20.000 đồng/người/ngày. Theo thông tư này, nạn nhân sau khi trở về tái hòa nhập cộng đồng sẽ phải tiến hành các thủ tục đăng ký, sau khi được xác nhận của địa phương sẽ được nhận các khoản chi như trợ cấp khó khăn (1 triệu đồng/người), hỗ trợ kinh phí học nghề một lần (1 triệu đồng/người). Theo bà Dương Thị Xuân, Trưởng Ban Chính sách pháp luật (Hội LHPN VN), mức chi như thế là quá thấp, không đáp ứng được nhu cầu.
Xã làm sao có tiền hỗ trợ? Cùng thời điểm với hội thảo trên, sáng 27-10, Quốc hội đã thảo luận ở tổ về dự án Luật Phòng chống mua bán người. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi lại băn khoăn khi dự luật quy định UBND xã tiếp nhận người đến khai báo; hỗ trợ về ăn, mặc và các vật dụng cá nhân thiết yếu cho nạn nhân; hỗ trợ tiền tàu xe, tiền ăn trong thời gian đi đường để họ tự về nơi cư trú… Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Nguyên đồng tình: “Những xã miền núi như chúng tôi, thuế nông nghiệp cũng miễn sạch rồi, làm gì còn nguồn thu để thực hiện việc hỗ trợ”. Có đại biểu còn đặt giả thiết nếu nạn nhân đến trình báo ở Hà Giang nhưng cư trú tận Đồng Tháp thì liệu xã có lo được kinh phí đi lại, ăn ở cho họ không? NGUYỆT HẰNG |
BẢO PHƯỢNG