Phụ huynh lo lắng khi chỉ tiêu tuyển sinh hệ song bằng bậc THPT quá ít

(PLO)- Đa số các phụ huynh, học sinh lớp 9 theo học chương trình song bằng đều có nguyện vọng tiếp tục được học ở bậc THPT. Nhưng nhiều người đang lo lắng vì chỉ tiêu chương trình này ở bậc THPT thấp.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo phản ánh của phụ huynh học sinh, từ năm 2018, TP Hà Nội triển khai chương trình song bằng bậc THCS ở bảy trường trên địa bàn, gồm: Trường Chuyên Hà Nội – Amsterdam, THCS Chu Văn An, THCS Cầu Giấy, THCS Trưng Vương, THCS Ngô Sĩ Liên, THCS Nghĩa Tân, THCS Thanh Xuân.

Dù đã dừng tuyển sinh thêm từ năm 2020, nhưng hiện vẫn đang tồn tại ba khối lớp 7,8,9 và năm nay là khối lớp 9 tốt nghiệp bậc THCS đầu tiên.

Đa số các học sinh lớp 9 của chương trình song bằng đều có nguyện vọng tiếp tục được học tiếp ở bậc THPT. Số lượng học sinh khối 9 vào khoảng 350 học sinh (trung bình 25 học sinh lớp trên 14 lớp).

Tuy nhiên, chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 chương trình song bằng tú tài THPT quốc gia Việt Nam và tú tài Anh quốc (chứng chỉ A-Level) năm học 2022-2023 mà Sở GD&ĐT mới thông báo là 100 học sinh ở cả hai trường Chu Văn An và Chuyên Hà Nội – Amsterdam (mỗi trường 2 lớp), điều này đã khiến nhiều phụ huynh lo lắng.

Theo chị Nguyễn Thị Chung Thủy, phụ huynh trường THCS Trưng Vương chia sẻ, trong thông báo ngày 6-5 của UBND TP Hà Nội đã nêu thống nhất đề xuất của Sở GD&ĐT và ý kiến các đại biểu dự họp và giao Sở GD&ĐT khẩn trương hoàn thiện báo cáo, xin ý kiến thường trực Thành ủy cho phép kéo dài thực hiện đề án thí điểm và tăng quy mô tuyển sinh đối với lớp 10 theo đề án.

Điều này khiến học sinh và Phụ huynh rất vui mừng và tin tưởng, nhưng sau thông báo hôm 10-6 của Sở GD&ĐT Hà Nội lại khiến phụ huynh lại khá hoang mang.

“Với chỉ tiêu 100 học sinh như vậy là quá thấp, làm mất đi cơ hội của rất nhiều cháu. Trong khi đó, Sở GD&ĐT thông báo quá muộn, phụ huyh và học sinh không kịp đưa ra các lựa chọn khác, thành ra những học sinh nếu như trượt hệ Cambridge sẽ không biết đi đâu về đâu.

Các con tư duy rất tốt, học hai chương trình cùng lúc, nếu để các con học các trường top 2, top 3 thì phụ huynh không đành lòng. Hiện các trường tư cũng đã ngừng tuyển sinh, chúng tôi thực sự thất vọng”– chị Thủy nói.

Giống như các bậc phụ huynh khác, anh Trần Việt Cường, phụ huynh trường THCS Thanh Xuân cho rằng, chỉ tiêu tuyển sinh đang quá thấp so với nguyện vọng đăng ký. Cụ thể, theo vị phụ huynh này, số lượng học sinh khối 9 của chương trình song bằng khoảng 350 em, chưa kể các thí sinh tự do. Điều này đã trực tiếp làm giảm tỉ lệ cơ hội các học sinh đã học song bằng từ bậc THCS có thể tiếp tục theo học chương trình tương tự tại bậc THPT.

“Nhu cầu và lượng thí sinh đều tăng, đặc biệt lứa học sinh thí điểm đầu tiên đã tốt nghiệp nên theo tôi cần phải có sự điều chỉnh hợp lý, cần cân nhắc và tiếp nối để tạo cơ hội cho các cháu đã tham gia thí điểm từ năm 2018”- anh Cường nói.

Các bậc phụ huynh đều mong muốn cơ quan chức năng cân nhắc lại chỉ tiêu tuyển sinh đã công bố và tăng thêm quy mô tuyển sinh đối với lớp 10 theo một chỉ tiêu hợp lý hơn (tỷ lệ 60% trên số lượng học sinh song bằng), tức là trường THPT Chu Văn An và trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam mỗi trường được tuyển sinh khoảng 100 học sinh chia thành 4 lớp.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, đề án cho bậc THCS để lấy chứng chỉ IGCSE, đề án cho bậc THPT để lấy chứng chỉ A-level. Hai đề án này hoàn toàn độc lập, riêng biệt, không phải là một đề án chung học từ bậc THCS rồi lên bậc THPT.

Từ năm học 2021-2022, đề án thí điểm chương trình đào tạo song bằng THCS Việt Nam và chứng chỉ IGCSE tại một số trường THCS tại Hà Nội đã dừng tuyển sinh lớp 6.

Đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, hai đề án bậc THCS và bậc THPT hoàn toàn độc lập, riêng biệt, không phải là một đề án chung. Ảnh PHI HÙNG

Đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, hai đề án bậc THCS và bậc THPT hoàn toàn độc lập, riêng biệt, không phải là một đề án chung. Ảnh PHI HÙNG

Đối với đề án này, sau khi những lớp song bằng lớp 9 cuối cùng hoàn thành sẽ tổ chức đánh giá lại đề án để làm căn cứ xây dựng đề án tiếp theo.

Đề án ở bậc THCS hướng đến việc các em có thêm chứng chỉ IGCSE để thuận lợi cho những dự định, còn việc theo học chương trình gì, ở đâu tiếp ở bậc THPT do lựa chọn của các học sinh, gia đình.

Trong thông báo Sở GD&ĐT Hà Nội mới đây cho biết, ngoài hai trường THPT công lập là THPT Chu Văn An và THPT Chuyên Hà Nội-Amsterdam, học sinh có thể đăng ký dự tuyển chương trình đào tạo song bằng vào các trường ngoài công lập có hệ Cambridge, như: THCS và THPT Alfred Nobel; THCS và THPT Nguyễn Siêu; THCS và THPT TH school; THCS và THPT Việt Úc Hà Nội; THCS và THPT Wellspring, Vinschool, Horizon….

Tuyển sinh năm học 2022-2023, tất cả học sinh đủ điều kiện sẽ được đăng ký dự tuyển vào lớp 10 chương trình song bằng tú tài Trung học Phổ thông Quốc gia Việt Nam và tú tài Anh quốc (chứng chỉ A-Level), mà không riêng các học sinh tốt nghiệp hệ song bằng từ 7 trường Trung học Cơ sở mà Hà Nội thí điểm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm