ThS Doãn Thị Ngọc (giảng viên môn Giới và phát triển, ĐH Hoa Sen, TP.HCM) là một người đã có nhiều năm hoạt động vì quyền bình đẳng giới. Bà là người sáng lập và chủ trì các buổi talk show mang tên Gender Talk để bàn luận về bình đẳng giới, thu hút học sinh, sinh viên, giảng viên các trường đại học và nhiều giới tham gia.
Bà cũng là một tấm gương đối với các sinh viên về nghị lực vượt qua gian khó, vượt qua các định kiến giới để đấu tranh cho bình đẳng giới. Từ một cô gái nhà nghèo thất học, bà đã được mời qua Mỹ học thạc sĩ chuyên ngành công tác xã hội.
Phụ nữ có thể vừa xây nhà vừa xây tổ ấm
. Phóng viên:Truyền thông hay có những bài viết ca ngợi những phụ nữ ra ngoài làm sếp nhưng về nhà vẫn giỏi việc nhà, nói chung là hai giỏi. Theo bà, đây là vẻ đẹp truyền thống của phụ nữ Việt Nam hay biểu hiện của bất bình đẳng giới?
+ ThS Doãn Thị Ngọc: Trong số các học viên của tôi có một chị là CEO, rất thành đạt, là trụ cột kinh tế gia đình. Ở ngoài là sếp nhưng về nhà phải nhún nhường chồng, phải làm mọi việc trong nhà. Sau khi học về bình đẳng giới, cô đã trò chuyện với chồng, yêu cầu chồng chia sẻ việc nhà, chăm con để cô bớt quá tải. Chồng cô nói: “Mới đi học vài ngày bày đặt lên mặt”.
Chúng ta đang ca ngợi những phụ nữ hai giỏi là để dằn phụ nữ xuống theo kiểu bắt phụ nữ phải đảm nhiệm quá nhiều công việc. Sau đó, chúng ta dễ dàng lấy hệ quy chiếu đó để đổ lỗi cho phụ nữ nếu gia đình nào đó trục trặc: Tại phụ nữ không biết giữ ấm bếp lửa, phụ nữ không biết chăm sóc chồng con.
Người ta cũng hay lấy câu “đàn bà xây tổ ấm” để đẩy việc nhà, việc nuôi dạy con cho phụ nữ. Trong khi phụ nữ đã có thể “xây nhà” thì họ vẫn phải kiêm luôn việc “xây tổ ấm”. Đây không phải là vẻ đẹp truyền thống mà chỉ là sự áp đặt để dễ bề kiểm soát phụ nữ, dễ thể hiện quyền lực của nam giới.
ThS Doãn Thị Ngọc và các sinh viên trong buổi nói chuyện về bình đẳng giới. Ảnh: H.MINH
Phụ nữ cũng phải “đại trượng phu”
. Vậy cô gái trụ cột kinh tế gia đình mà bà vừa nhắc đến đã ứng xử thế nào? Những gia đình có phụ nữ làm trụ cột kinh tế nên ứng xử thế nào?
+ Cô ấy rất kiên nhẫn và khôn khéo. Tôi cũng nói với cô ấy thay đổi một định kiến rất khó, phải kiên nhẫn. Nếu nóng vội, đổ vỡ rất dễ xảy ra. Tôi muốn thay đổi quan niệm bất bình đẳng của mẹ tôi, là một phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi, cũng cần khoảng một thời gian rất dài.
Cuộc sống hiện đại có ba mô hình gia đình cùng tồn tại: đàn ông làm trụ cột kinh tế, hoặc là phụ nữ, hoặc cả hai cùng làm trụ cột. Không có mô hình nào bất thường cả, dù là đàn bà xây nhà, đàn ông xây tổ ấm. Quan trọng nhất là không ai bị bất bình đẳng về cơ hội, về vai trò và về quyền, đó mới là quan trọng.
Trong những gia đình phụ nữ làm trụ cột kinh tế thì cũng như những gia đình đàn ông làm trụ cột kinh tế, cả hai phải ngồi xuống trò chuyện với nhau, phân công rõ vai trò của nhau. Phải giao tiếp rõ ràng để hai bên không tự ái, không ai thấy bị mất vai trò trong gia đình.
Chúng ta cần kiên nhẫn đấu tranh cho bình đẳng giới và tôi mong truyền thông sẽ góp phần thay đổi điều đó, cần kêu gọi sự tham gia tích cực của nam giới thay vì tuyên truyền cho những tấm gương phụ nữ hai giỏi. ThS DOÃN THỊ NGỌC |
Đàn ông hay nói “nam nhi đại trượng phu”, điều đó rất đúng nhưng phụ nữ cũng phải đại trượng phu. Vì đại trượng phu là tính cách tốt đẹp, mạnh mẽ, giới nào cũng cần có.
. Theo quan sát của bà, xã hội chúng ta đã đạt được bình đẳng giới ở mức nào?
+ Nhận thức về bình đẳng giới trong xã hội chúng ta vẫn ở mức rất kém, ngay cả trong giới trí thức. 90% sinh viên của tôi sau khi học về bình đẳng giới mới vỡ lẽ các em đã từng hiểu sai về bình đẳng giới. Nhiều người là tiến sĩ, giáo sư vẫn có những phát ngôn đầy định kiến giới.
Vụ án ly hôn của ông bà chủ Trung Nguyên, tôi chỉ bàn đến phát ngôn của vị thẩm phán, ông cho rằng phụ nữ là phải lui ra phía sau. Ở các nước tiến bộ, ông có thể bị buộc rời vị trí ngay nếu phát ngôn như thế.
Trong số các học viên, sinh viên của tôi có những người là cán bộ thành đạt. Một trong số họ chia sẻ rằng khi anh về nhà giúp vợ giặt đồ đã bị mẹ mắng: “Tao nuôi mày ăn học để mà giặt đồ cho vợ à?”. Anh nói anh đã thất bại trong gia đình của mình. Tôi nói lại với anh cần kiên nhẫn, gia đình chính là nơi gây ra bất bình đẳng giới nhiều nhất.
Nên cùng nhau san sẻ việc kiếm tiền và việc nhà Hiện nay, với sự phát triển của xã hội, phụ nữ có nhiều cơ hội phát triển và thăng tiến ngoài xã hội. Họ vừa là lãnh đạo công ty vừa là trụ cột gia đình. Tuy nhiên, tôi quan sát thấy một số gia đình chưa chấp nhận điều này. Nếu quy định việc kiếm tiền chỉ do đàn ông gánh vác hay việc nhà chỉ do phụ nữ đảm nhận thì sẽ tạo ra áp lực cho họ, ảnh hưởng tới sức khỏe, tâm lý và nhiều thứ khác. Ai có năng lực ra ngoài kiếm tiền tốt hơn thì người còn lại có thể đảm nhận việc nhà nhiều hơn. Việc nhà nó không tạo ra của cải nhưng nó tạo ra các giá trị rất lớn trong gia đình, thay vì thuê người giúp việc thì cha mẹ chăm con vẫn là tốt nhất. Sự chăm sóc gia đình tạo ra sự gắn kết, nâng đỡ tinh thần các thành viên trong gia đình… Phụ nữ hay đàn ông lui về chăm sóc gia đình đều không phải là “ăn bám”, quan trọng là cả hai cùng bàn bạc, chia sẻ với nhau. Ông ĐOÀN MINH CHÍ,quản lý dự án “TP an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái” |