Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện nay một số quy định của pháp luật lao động Việt Nam còn phân biệt đối xử đối với nữ, như quy định tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ, danh mục công việc không được sử dụng lao động nữ, chính sách đào tạo nghề và hỗ trợ việc làm sau học nghề chưa xóa bỏ được định kiến giới trong định hướng nghề nghiệp và lựa chọn ngành nghề đào tạo.
Chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ còn nhiều vướng mắc trong thực tế, nhiều chính sách trong lĩnh vực lao động việc làm chưa được lồng ghép giới đầy đủ và hiệu quả.
Nhiều lao động nữ gặp khó khi tìm kiếm việc làm. Ảnh: Internet
Thừa nhận những bất cập trên, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho rằng thời gian qua Chính phủ Việt Nam đã và đang có nhiều nỗ lực trong việc triển khai chính sách luật pháp về bình đẳng giới trong lĩnh vực việc làm.
Tuy nhiên do những rào cản từ quan niệm truyền thống đánh giá thấp khả năng và tiềm năng của phụ nữ. Bên cạnh đó, những yêu cầu cao hơn về trình độ đào tạo, kiến thức, năng lực… đến từ sự thay đổi của thế giới việc làm, trong khi chức năng làm mẹ, chăm sóc con cái và gia đình vẫn luôn được cho là trách nhiệm chủ yếu của phụ nữ cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự tham gia và chất lượng công việc của lao động nữ.
“Dù vậy, những thay đổi hiện nay của thị trường việc làm đã tạo ra cơ hội và tác động đến việc nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ. Do đó, sắp tới cần phải rà soát lại một số chính sách và chương trình liên quan đến quyền làm việc của phụ nữ và các quyền bình đẳng tại nơi làm việc ở khu vực phi chính thức và chính thức. Đồng thời, xác định vai trò và trách nhiệm của chính phủ, các tổ chức quốc tế, khu vực tư nhân (bao gồm cả các tổ chức của người lao động và người sử dụng lao động) trong việc định hình và tác động đến thế giới việc làm và quá trình trao quyền cho phụ nữ” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.