Mới đây, tại cuộc tọa đàm do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức, ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH), đã cho biết: “Việc bỏ quy định lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút, trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc dựa vào kiến nghị của doanh nghiệp (DN)”.
Thực tế trước đó, tại khoản 5 Điều 155 của dự thảo sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động năm 2012 đã bỏ quy định trên. Một quy định đầy tính nhân văn, không chỉ đối với phụ nữ mà còn với cả trẻ em đã được bỏ với lý do DN đề xuất và khó khăn, rườm rà trong khâu báo cáo, quản lý.
Ban soạn thảo nghe theo kiến nghị của DN, vậy đã từng nghe tiếng nói của nữ lao động? Các vị có biết 60 phút đối với người mẹ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi quý vô cùng.
60 phút ấy ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của bà mẹ và trẻ em.
Cho lao động nữ nuôi con nhỏ dưới 12 tháng được nghỉ 60 phút mỗi ngày là quy định nhân văn. Ảnh: HOÀNG GIANG
Nuôi con nhỏ, phụ nữ thường xuyên thiếu ngủ. Tôi còn nhớ khi tôi sinh con thứ hai, vì con hơi khó nuôi nên tôi liên tục mất ngủ. Ngày đó, sau khi hết thời gian nghỉ sinh, tôi đi làm lại. Tranh thủ giờ nghỉ trưa, tôi chạy xe về nhà để cho con bú cữ trưa và vắt sữa cho cữ chiều. Thế nhưng đi được nửa đường, tôi buồn ngủ díp mắt, cứ chạy xe vật vờ giữa trời trưa nắng và rồi tôi thiếp một thoáng giữa đường. Linh tính sao đó, tôi giật mình hoảng hốt, một chiếc xe trờ ngay trước mặt. Từ đó, tôi không dám về giữa trưa nữa. Nhưng 60 phút đã cứu tôi tái tạo sức lực. Tôi quyết định ở lại cơ quan, tranh thủ giờ nghỉ trưa chợp mắt. Và chiều, tôi được nghỉ trước 60 phút nên có thể về sớm mà lo cho con.
Việc nghỉ 60 phút này tôi thấy cũng có thể linh động. Chị em nào muốn vô trễ 60 phút hay về sớm 60 phút đều có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động và từ đó hai bên sẽ có sự sắp xếp nhịp nhàng. Người mẹ hoàn toàn có thể nghỉ được 60 phút mà cơ quan hay DN cũng không bị động.
Vấn đề của DN là tăng năng suất, hiệu quả làm việc chứ không nhất định kéo dài thời gian làm việc. Tinh thần, sức khỏe của người lao động cũng rất quan trọng. Nếu cứ nhất nhất buộc họ phải làm đủ thời gian trong khoảng thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, không cho họ nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động thì hiệu quả có khi còn ngược lại.
Sao chỉ nghe cái khó của DN mà bỏ qua một quy định rất nhân văn như thế!
Khổ hơn bị cảm cúm Không biết các chị em phụ nữ khác như thế nào nhưng với tôi hằng tháng phải vượt qua những ngày ấy như trải qua một cực hình, phải chịu cảnh đau bụng, đau lưng liên tục, thêm triệu chứng chóng mặt, lâu lâu còn buồn nôn… Tôi thấy bệnh cảm cúm còn dễ chịu hơn gấp mấy lần. Đôi lúc mỏi mệt quá, tôi lại nghĩ nếu mình sinh ra là đàn ông thì sướng biết mấy bởi sẽ thoát được những thiệt thòi sinh học mà chỉ phụ nữ mới phải chịu đựng. Việc bảo vệ quyền lợi của lao động nữ, cho phép được nghỉ 30 phút mỗi ngày khi hành kinh là một chính sách thể hiện sự quan tâm đối với nữ giới. 30 phút không phải là nhiều, chúng tôi sẽ được giảm sự căng thẳng tinh thần để tiếp tục công việc hiệu quả hơn. Chị TRẦN THỊ THANH PHƯƠNG, công nhân làm việc Cần một chút thời gian cho bản thân Những phụ nữ trải qua giai đoạn nuôi con nhỏ sẽ thấu hiểu và đồng cảm với các quy định về thời gian nghỉ ngơi. Như tôi, tôi bắt đầu đi làm lại lúc con tôi sáu tháng tuổi và tất nhiên trẻ ở tuổi này rất khó gửi nhà giữ trẻ được nên tôi phải nhờ mẹ chồng ở quê lên trông cháu. Dù có mẹ nhưng vai trò của tôi vẫn là chính. Buổi sáng tôi phải dậy thật sớm vắt sữa, vệ sinh cho con, dọn dẹp nhà cửa rồi ăn vội bát cơm đi làm. Giờ nghỉ trưa, trong khi mọi người ngủ tôi phải tranh thủ chạy về cho con bú rồi vội vã chạy lên công ty cho kịp giờ làm. Chiều về lại lo cho con, làm xong công việc nhà nhìn đồng hồ đã quá 10 giờ tối. Có những hôm con bệnh tôi phải thức đến sáng để chăm. Nhiều lúc tôi thấy mình gần như kiệt sức. Được ngủ một giấc thật ngon, được có thời gian làm đẹp cho bản thân hay uống cà phê với bạn bè với tôi là những việc rất xa xỉ... Chị TRẦN THỊ LIỀN, nhân viên kinh doanh làm việc tại công ty xây dựng ở quận Bình Thạnh, TP.HCM N.Hiền ghi |