Theo Bộ luật Lao động 2012, lao động nữ trong thời gian "đèn đỏ" sẽ được nghỉ mỗi ngày 30 phút (thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động).
Tuy nhiên, tại dự thảo Bộ luật Lao động 2017 (dự kiến có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018 và thay thế Bộ luật Lao động 2012) đã bãi bỏ quy định có lợi này cho lao động nữ.
Ngoài ra, Dự thảo Bộ luật Lao động 2017 cũng bãi bỏ quy định "Lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc (thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động)”.
Như vậy, có thể nói, Luật Lao động mới đã bỏ nhiều quy định có lợi đối với lao động nữ.
Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ, dự thảo luật lại có nhiều quy định ưu đãi.
Ngoài ra, Dự thảo Bộ luật Lao động 2017 cũng bổ sung quy định “người lao động được đơn phương chấm dứt HĐLĐ mà không cần lý do”.
Cụ thể, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động bất cứ thời điểm nào với điều kiện phải báo trước như sau:
(i) 45 ngày đối với trường hợp ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
(ii) 30 ngày đối với trường hợp ký hợp đồng lao động xác định thời hạn.
(iii) 05 ngày đối với trường hợp ký hợp đồng lao động theo mùa vụ.
Người lao động không cần phải báo trước theo quy định nêu trên nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
(i) Người lao động không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc đã thống nhất giữa hai bên.
(ii) Người lao động không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn như đã thống nhất giữa hai bên.
(iii) Người lao động bị ngược đãi, quấy rối tình dục hoặc cưỡng bức lao động.
(iv) Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.