Chiều 16/11, trao đổi với VnExpress.net, đại biểu Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội, cho rằng, phải tính đến việc cho chồng nghỉ chăm sóc vợ đẻ vì hiện nay nhiều nước đã có quy định này.
Theo ông Thảo, thực tế hiện nay khi vợ sắp đẻ, chồng đã phải lo tìm kiếm osin, nhưng cũng rất khó. Thậm chí kiếm được osin thì phải trả công tối thiểu 3 triệu đồng một tháng, chưa kể tiền ăn. Trong khi nhiều ông bố trẻ mới ra trường, thu nhập chưa cao chỉ 2-2,5 triệu mà phải bỏ ra thuê osin.
"Cá nhân tôi ủng hộ việc này vì khi vợ đẻ con, chồng không có thời gian chăm sóc thì đúng là khó. Thà quy định cho nghỉ trong vòng một tháng còn hơn là không quy định khiến người ta phải xin nghỉ, rồi có khi trốn việc để chăm vợ và bị kiểm điểm, xếp loại...", tiến sĩ Thảo chia sẻ.
Áp lực nuôi con hiện được dồn hết cho phụ nữ. Ảnh: Thiên Chương.
Cũng theo ông Thảo, trong tờ trình dự án bộ Luật lao động (sửa đổi) chưa đề cập tới vấn đề này nhưng trong phần thảo luận ở hội trường có thể đại biểu sẽ phát biểu. Sắp tới, khi sửa Hiến pháp, ở phần quyền con người, quyền công dân cũng sẽ nói đến vấn đề này bởi một mặt, đây là quyền, mặt khác cũng là trách nhiệm của người chồng, người bố đối với vợ, con. Vì vậy cần tạo điều kiện để người chồng chăm sóc, giúp vợ, giúp con. Ông Viện trưởng cũng cho hay, hiện Đức, Thụy Điển... đã quy định cho nam giới nghỉ chăm sóc vợ đẻ. Ở Thụy Điển, thời gian cho chồng nghỉ cũng kéo dài cả tháng vì đây vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ; là trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm tình cảm trong gia đình. Và nếu trong thời gian vợ sinh, chồng không nghỉ để chăm sóc thì cũng là vi phạm. Đồng quan điểm, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cũng đề nghị phải bổ sung quy định chồng được nghỉ khi vợ sinh con vào dự án bộ Luật lao động sửa đổi đang trình Quốc hội xin ý kiến. "Khi vợ sinh con hoặc hai vợ chồng nhận trẻ sơ sinh làm con nuôi thì chồng cũng phải được nghỉ bởi Luật bình đẳng giới cũng quy định điều này", nữ đại biểu nói. Tại buổi thảo luận tổ về dự thảo Bộ luật lao động sửa đổi, một số đại biểu cũng kiến nghị nên bổ sung quy định nam giới nuôi con nhỏ nên được miễn đi công tác xa, trừ khi họ thu xếp được thời gian; và người cha (mẹ) cũng được nghỉ chăm sóc con nếu con dưới 7 tuổi ốm. Lý do là không nên tạo gánh nặng, áp lực với phụ nữ "phải nuôi con trong 6 tháng đầu" vì xã hội cũng cần có thêm trách nhiệm. Chiều 16/11, góp ý cho dự án bộ Luật lao động sửa đổi, nhiều đại biểu khuyến nghị nên tăng thời gian nghỉ thai sản lên 6 tháng, thay vì 5 tháng như đề xuất của Chính phủ. Có vậy người mẹ mới đảm bảo sức khỏe, yên tâm hơn khi làm việc và trẻ con cũng tăng thêm sức đề kháng, bớt bệnh tật. Trước thực trạng quỹ bảo hiểm xã hội dành cho thai sản có thể khó đáp ứng chi trả lương cho 6 tháng, các đại biểu đề nghị Nhà nước cũng cần có chính sách an sinh để hỗ trợ cho nhóm đối tượng này. Ngoài ra, cần có chế tài xử lý nghiêm các doanh nghiệp không muốn cho chị em nghỉ thai sản 6 tháng. Theo Tiến Dũng - Hồng Anh (VNE)