Ngày 22-11, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện TP.HCM tổ chức Lễ kỉ niệm 30 năm xây dựng và phát triển phong trào hiến máu tình nguyện TP.HCM (1994-2024).
Cai rượu bia, thuốc lá để… được hiến máu
Ông Ngô Văn Dư (50 tuổi, ngụ quận 10, TP.HCM) tham gia hiến máu tình nguyện từ năm 24 tuổi, đến nay đã hiến máu được 112 lần. Không những thế, ông còn luôn vận động người thân, bạn bè cùng tham gia hiến máu.
Ông Dư chia sẻ trước kia rất sợ máu và kim tiêm, cũng có sử dụng rượu bia thuốc lá. Nhưng sau lần thứ 2 hiến máu, ông nhận thức được việc phải có trách nhiệm với bản thân và với người nhận máu. Vì vậy ông từ bỏ rượu bia thuốc lá, tích cực tập thể thao, sống lành mạnh. Hiện ông hiến máu 3 tháng một lần.
“Tôi nghĩ mình chỉ là một bông hoa trong vườn hoa nhân ái của nhân dân TP. Tôi tự hào vì được tôn vinh là 1 trong 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc. Tôi muốn lan tỏa tinh thần này để mọi người hiểu hơn về ý nghĩa của hiến máu tình nguyện, rằng cho đi là còn mãi. 10 năm nữa tôi hết tuổi hiến máu, tôi tự nhủ sẽ phấn đấu đạt 150 lần hiến” - ông Dư vui vẻ nói.
Hiến máu đến khi hết được hiến thì thôi!
Bà Nguyễn Thị Kim Oanh (49 tuổi, ngụ Gò Vấp, TP.HCM) được nhận bằng khen gia đình hiến máu tiêu biểu nhiều lần.
Bà chia sẻ lần đầu hiến máu là vào năm 19 tuổi khi được phường vận động. Thời gian đầu do bận nên bà hiến máu mỗi năm 2 lần, sau đó cứ 3 tháng hiến một lần. Lúc đầu bà Oanh hiến túi 250 ml, về sau lên 350 ml, hiện tại là 450 ml.
Khi được bà giải thích, hai em trai ruột của bà Oanh đều hăng hái tham gia hiến máu tình nguyện. Đến nay, một người đã hiến gần 50 lần, một người gần 30 lần, còn bà Oanh đã hiến trên 96 lần. Bà còn rủ bạn bè trong xóm đi hiến máu chung.
“Em trai kế của tôi đã từng cho máu khẩn cấp nhiều bệnh nhân mổ tim thiếu máu. Tôi thì chưa có cơ hội này vì không trùng nhóm máu. Nhưng trong xóm đều biết nhà chúng tôi có 3 người hiến máu, 2 người nhóm máu A, 1 người nhóm máu O, để khi ai cần máu gì thì báo, chúng tôi tặng” - bà Oanh vui vẻ tâm sự.
Chia sẻ thêm, bà Oanh kể có nhiều người không biết nên bảo đi hiến làm gì, thiếu máu mình cũng phải mua. Bà Oanh cho rằng lúc nào mua thì tính sau, còn bà mang trong mình nhóm máu hiếm, cho được ai thì cho, đấy là chuyện bình thường. Bà Oanh sẽ hiến máu đến khi nào hết tuổi thì thôi.
Số lượng máu hiến tăng gần 3 lần sau 30 năm
Ông Trần Trường Sơn, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP.HCM, Phó ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện TP.HCM, cho biết phong trào hiến máu tình nguyện TP được xây dựng từ năm 1994. Thời điểm đó, mỗi năm TP chỉ tiếp nhận khoảng 100.000 túi máu, chủ yếu là túi 250 ml.
“Vì thiếu thốn các điều kiện về trang thiết bị nên chất lượng túi máu chưa đạt tỉ lệ cao. Hơn nữa, lúc đó khái niệm tình nguyện hiến máu chưa lan rộng như bây giờ nên tỉ lệ hiến máu tình nguyện chưa đến 10%” - ông Sơn nói.
Đến năm 2023, TP đã có bước phát triển vượt bậc, tiếp nhận hơn 250.000 túi máu mỗi năm, tăng gần 3 lần so với những năm đầu phát động phong trào. Tỉ lệ người hiến máu tình nguyện đạt 100%, tỉ lệ túi máu 350ml - 450ml đạt đến 80% và túi máu sạch đạt 98% trở lên.
Sau 30 năm phát động phong trào, đến nay TP đã có trên 2 triệu lượt người tham gia hiến máu, hàng chục ngàn cá nhân hiến máu tình nguyện tiêu biểu trên 30, 50 lần thậm chí trên 100 lần.
TP cũng đã có hàng trăm gia đình mà hầu hết các thành viên cùng hiến máu và tham gia vận động hiến máu tình nguyện. Nhiều cơ quan, trường học, doanh nghiệp và địa phương thường xuyên tổ chức ngày hiến máu.
Ông Sơn cho biết thêm, giai đoạn 2025-2030, phong trào hiến máu tình nguyện TP sẽ có các giải pháp nâng cao chất lượng. Trong đó tiếp tục vận động hiến máu theo nhu cầu điều trị, dự trữ và vận động để loại trừ túi máu 250 ml và tăng tỉ lệ túi máu 350-450 ml lên 90 đến 100%.
Ngoài ra TP sẽ xây dựng bổ sung quy trình và ứng dụng chuyển đối số trong hoạt động hiến máu với mức độ cao hơn, sâu rộng hơn. Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện TP.HCM đề xuất đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại cho các cơ sở hiến máu, các điểm tiếp nhận máu.
“TP phấn đấu đưa phong trào hiến máu tình nguyện trở thành phong trào thi đua gắn với thay đổi hành vi ứng xử văn hóa, nhân ái, nghĩa tình, là địa chỉ nhân đạo quen thuộc không chỉ người dân TP mà còn là nơi cộng đồng người nước ngoài; các địa phương khác đến để trao giọt máu đào yêu thương, chia sẻ với các bệnh nhân, các trường hợp cần cấp cứu trên địa bàn TP và cả nước” - ông Sơn nhấn mạnh.
Ứng dụng chuyển đổi số trong hiến máu
Để tiếp tục duy trì và phát triển bền vững phong trào hiến máu tình nguyện, đề nghị Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện TP và các cấp, ngành tiếp tục xây dựng các giải pháp duy trì và phát triển bền vững nguồn người hiến máu tình nguyện. Đảm bảo ổn định nguồn máu an toàn, chất lượng, phục vụ nhu cầu điều trị cho bệnh nhân trong TP và các địa phương khác.
Cạnh đó, đẩy mạnh vận động người hiến máu nhắc lại, hiến máu thường xuyên, phát triển các câu lạc bộ, đội, nhóm về hiến máu, vận động hiến máu, nâng cao chất lượng tuyên truyền và vận động hiến máu.
Đặc biệt, cần ứng dụng chuyển đổi số y tế vào quản lý người hiến máu và các đơn vị máu. Kết nối thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu người hiến máu thống nhất, liên thông giữa các địa phương, giữa các trung tâm máu, bệnh viện có tiếp nhận máu.
Ông NGUYỄN VĂN DŨNG, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM