Cán bộ, công chức, viên chức không được vay quỹ CEP

(PLO)- Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động thuộc đối tượng được vay quỹ CEP. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản hướng dẫn Tổ chức tài chính vi mô CEP (Quỹ CEP) thực hiện một số nội dung quy định tại Thông tư số 33/2024 của Ngân hàng Nhà nước.

Để đảm bảo việc cho vay đúng đối tượng, hiệu quả, đúng bản chất và theo thông lệ về hoạt động tài chính vi mô, Thông tư số 33 đã thiết lập các cơ chế vận hành giúp các tổ chức tài chính vi mô kiểm soát tốt hơn trong việc cho vay, giám sát khoản vay.

Theo đó, các tổ chức tài chính vi mô phải xây dựng quy định nội bộ về cho vay, trong đó phải có quy định về việc xác định khách hàng có cư trú hợp pháp (đăng ký thường trú, tạm trú) để làm cơ sở phối hợp với tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền địa phương các cấp,… sàng lọc và giới thiệu khách hàng cho tổ chức tài chính vi mô.

Việc cho vay đối tượng khách hàng là hộ gia đình có thu nhập thấp phải được tổ chức tài chính vi mô thực hiện thông qua tổ, nhóm, cụm vay vốn (tổ vay vốn). Đó là một hình thức tổ chức tự quản do tổ chức tài chính vi mô thành lập, nhằm mục đích cho vay đúng đối tượng, kiểm soát việc sử dụng và trả nợ khoản vay tốt hơn.

nguoi-ngheo-dang-ky-tam-tru-vay-quy-cep.jpg
Cán bộ, công chức không thuộc đối tượng được vay quỹ CEP. Ảnh: CEP

Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động thuộc đối tượng được vay quỹ CEP. Theo đó, người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập và lực lượng vũ trang thuộc đối tượng khách hàng tài chính vi mô quy định thông tư này.

Cán bộ, công chức không làm việc theo hợp đồng lao động; viên chức được tuyển dụng và làm việc theo chế độ hợp đồng làm việc. Do đó, cán bộ, công chức, viên chức không thuộc đối tượng khách hàng tài chính vi mô theo quy định tại thông tư này.

Khoản 4, Điều 3, Thông tư 33 quy định khách hàng tài chính vi mô bao gồm các đối tượng:

a) Hộ nghèo, hộ cận nghèo, cá nhân thuộc hộ nghèo, cá nhân thuộc hộ cận nghèo theo quy định của pháp luật;

b) Cá nhân có thu nhập thấp, bao gồm:

(i) Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động ở khu vực đô thị có mức thu nhập bình quân tối đa 09 triệu đồng/tháng tại thời điểm đề nghị vay vốn;

(ii) Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động ở khu vực nông thôn có mức thu nhập bình quân tối đa 07 triệu đồng/tháng tại thời điểm đề nghị vay vốn;

(iii) Người lao động tự do làm việc không trên cơ sở thuê mướn theo thỏa thuận lao động có mức thu nhập tương ứng mức thu nhập bình quân của đối tượng khách hàng quy định tại điểm b(i) và b(ii) khoản này;

Khoản 4, 5, 6 Điều 24 Thông tư 33 quy định việc cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo phải đảm bảo tuân thủ các yêu cầu sau:

a) Hộ nghèo, hộ cận nghèo cư trú hợp pháp tại địa bàn nơi cho vay;

b) Có tên trong danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo tại xã, phường, thị trấn theo quy định về chuẩn nghèo đa chiều.

Tổng dư nợ cho vay của tổ chức tài chính vi mô đối với một khách hàng tài chính vi mô là cá nhân thuộc hộ nghèo, cá nhân thuộc hộ cận nghèo, cá nhân có thu nhập thấp, hộ gia đình có thu nhập thấp không được vượt quá 50 triệu đồng.

Khách hàng là cá nhân thuộc hộ nghèo, cá nhân thuộc hộ cận nghèo, người lao động tự do theo quy định tại điểm b(iii) khoản 4 Điều 3 Thông tư này và hộ gia đình có thu nhập thấp chỉ được thực hiện cho vay thông qua tổ vay vốn và thuộc danh sách được tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền địa phương các cấp phê duyệt hoặc giới thiệu cho tổ chức tài chính vi mô.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm