Phùng Há - 100 năm bây giờ mới kể - Kỳ 4: Vai diễn đi cùng năm tháng

Rồi mua một căn nhà nhỏ ở 133 đường Cô Bắc làm nhà truyền thống thờ Thánh tổ.

Phùng Há - 100 năm bây giờ mới kể - Kỳ 4: Vai diễn đi cùng năm tháng ảnh 1

Nghệ sĩ Phùng Há trong vở tuồng Mộng hoa vương - Ảnh tư liệu gia đình 

Lúc này cô Phùng Há đã làm vợ của ông Châu Văn Sáu - một chủ trang trại nuôi bò với hàng trăm con bò chuyên lấy sữa làm sữa tươi, bơ, kem cung cấp cho một số nhà hàng, các tiệm bánh lớn ở Sài Gòn (trại nuôi bò sữa của ông Châu Văn Sáu ở gần ngã bảy, sau này ở đó hình thành một cái chợ nhỏ mà người ta thường gọi là “chợ Chuồng Bò”).

Năm 1950, đoàn Phụng Hảo diễn tại Huế, cuối năm 1952 diễn tại Hà Nội danh nổi như cồn. Dựng lại đoàn Phụng Hảo lần này có lẽ là lần thành công nhất của cô Phùng Há so với bao đoàn Phụng Hảo tan - hợp trước đó. Nhưng đến khoảng năm 1959, đoàn Phụng Hảo lại tan rã tại rạp Thuận Thành Đakao. Sau đó ông Châu Văn Sáu và cô Phùng Há cũng chia tay. Buồn khổ lại đeo bám bà, năm 1963 người con gái bà đứt ruột sanh ra là Bửu Chánh (tức Lý Bửu Trân) chết do căn bệnh ung thư máu. Sau khi chôn cất con gái, bà đi Pháp thăm hai cháu ngoại - một trai và một gái - con của chị Bửu Chánh.

Ở Pháp mấy năm, năm 1966, bà Phùng Há trở về nước. Tối bà lại đi hát chầu cho đoàn ca kịch Năm Châu, ban ngày đi dạy về bộ môn cải lương cho Trường Quốc gia âm nhạc.

Đoạn kết buồn với Bạch công tử

Khoảng năm 1949, một hôm má Phùng Há bảo tôi đi cùng với Lili đến căn nhà bên hông chợ Bến Thành. Tới nơi, tôi cùng Lili lên lầu thấy một người đàn ông ốm yếu xanh xao, mũi cao trắng trẻo, nằm trên giường, bên cạnh có một mâm hút. Tôi biết ngay đó là Bạch công tử vì trước đó tôi có nghe gia đình bàn tán nhiều lần về ông. Tôi đi xuống để hai cha con ông nói chuyện. Từ đó về sau, tôi đi theo đoàn hát lưu diễn khắp nơi nên không biết gì về ông nữa.

Năm 1999, trả lời phỏng vấn của một tờ báo, bà Phùng Há nói bà muốn về thăm mộ của ông Phước George. Cũng năm 1999, có một người ở đường Nguyễn Văn Cừ hỏi có muốn về Chợ Gạo thăm lại quê hương của Bạch công tử Phước George hay không. Thú thật bao lâu nay bà cũng muốn về thăm lại Chợ Gạo - nơi ghi dấu biết bao là kỷ niệm, nhưng bà cũng đành bỏ qua ý định vì mấy mươi năm rồi không còn nhớ những con đường ngày xưa. Người ở đường Nguyễn Văn Cừ có cô em gái làm việc tại Chợ Gạo, ông đã nhờ cô em đưa bà về.

Trên chiếc xe 16 chỗ ngồi, bà đi cùng vài người bạn và các cháu, con. Đường về Chợ Gạo bây giờ xa lạ quá, quanh co khúc khuỷu. Xe dừng lại trước một mảnh đất rộng lớn, cô dẫn đường chỉ đây là mảnh đất của gia đình công tử Phước George, bà nhìn quanh rồi nói: “Không còn chút gì của ngày xưa”. Miếng đất ngày nay đã thuộc chủ quyền của một người mà cha của ông ngày xưa là bạn thân của công tử Phước George. Ngày xưa ông Phước George đã giúp đỡ rất nhiều cho chủ nhân miếng đất này.

Khi gặp được con của chủ nhân miếng đất, bà Phùng Há liền hỏi: “Mộ của ông Phước George ở đâu?”, người ấy chỉ: “Kìa!...”. “Trời ơi, như thế này được sao?”. Không thể nào tưởng tượng được vì đó không phải là ngôi mộ mà chỉ là một mảnh đất chừng 1m2, nước đọng, cỏ mọc. Bà như muốn qụy xuống, mọi người chạy tới đỡ bà, bà kêu lên: “Sao lại như thế này hỡi trời? Ông ơi, vợ ông đâu? (không còn ai). Con cháu ông đâu? (không có). Tài sản đất đai của ông đâu? (một thước đất chôn thân cũng không có)”. Có người hàng xóm kể rằng: “Ngày Bạch công tử chết tình hình rất lộn xộn, người ta quấn ông vào một chiếc chiếu, mà chiếc chiếu cũng không lành, không mộ, không bia, không tên, không họ”. Từ đó cho đến nay đã mấy mươi năm rồi, vong linh ông có đau đớn tủi hận chăng, chỉ xương trắng là tan thành đất hòa vào dòng nước ngọt của Chợ Gạo, quê ông.

Bà Phùng Há xin với người chủ của mảnh đất được hốt cốt của ông đem về Sài Gòn, người ấy trả lời: “Người vợ khi đã có chồng khác thì không có được một cái quyền gì cả, hãy chờ cô Lili - con gái của ông Phước George - từ nước ngoài về rồi sẽ bàn tiếp”. Bà nắm trong tay một nắm đất nơi ông Phước George nằm xuống rồi thất thểu lên xe ra về.

Suất hát cuối cùng

Năm 30-4-1975 thống nhất đất nước. Vở hát đầu tiên sau giải phóng là kịch bản Đời cô Lựu, lại có bà cùng góp mặt với các nghệ sĩ: Ba Vân, Út Trà Ôn, Hoàng Giang, Nam Hùng, Hoàng Ấn, Văn Lâu, Tư Hề, Thanh Nga, Ngọc Nuôi, Tố Nữ... Đoàn cải lương Sài Gòn 1 sau đó cũng được thành lập gồm các nghệ sĩ tài danh với những kịch bản nổi tiếng một thời: Sân khấu về khuya, Phụng Nghi đình, Mạnh Lệ Quân, Bình Tây đại nguyên soái, Người ven đô, Ngao Sò ốc hến (chỉ đạo nghệ thuật Ba Vân, Phùng Há và trưởng đoàn Nguyễn Đạt).

Năm 1976, bà Phùng Há bàn với lãnh đạo lúc đó là ông Mai Quân tổ chức một suất hát tổng hợp để gây quỹ giúp đỡ nghệ sĩ khó khăn. Ngày 6-12-1976 vở tuồng hoành tráng Phụng Nghi đình được công diễn hai suất tại rạp Hào Huê, một suất trưa và một suất tối với sự tham gia nhiệt tình của dàn nghệ sĩ lừng danh với ba “Lữ Bố”: NS Phùng Há, Thành Được, Nam Hùng; năm “Điêu Thuyền”: NS Thanh Nga, Kim Cương, Mỹ Châu, Phượng Liên, Ngọc Hương; ba “quan tư đồ”: NS Ba Vân, Út Trà Ôn, Út Bạch Lan; ba “Đổng Trác”: NS Ngọc Giàu, Văn Khoe, Trường Xuân; hai “Lý Nhu”: NS Bảy Nam, Kim Hoàng.

Khán giả náo nức như đêm hội, nghệ sĩ hát nhiệt tâm, đêm hát hết sức tưng bừng. Nhưng bà đã không thể ngờ được đó là đêm cuối cùng bà hát với người học trò cưng mà bà hết mực yêu thương là NS Thanh Nga trong lớp Lữ Bố hí Điêu Thuyền - lớp hát mà bà và Thanh Nga đã làm mê hoặc hàng bao khán giả (ngày 26-11-1978 nghệ sĩ Thanh Nga, 36 tuổi, và chồng bị ám sát ngay sau suất diễn vở Thái hậu Dương Vân Nga).

Cuối tháng 12-1976, bà và nhiều nghệ sĩ miền Nam thuộc Đoàn văn công thành phố, và Đoàn hát bội thành phố được vinh dự ra thủ đô biểu diễn chào mừng Đại hội Đảng. Cũng với lớp Lữ Bố hí Điêu Thuyền, nhưng lần này bà chọn Út Bạch Lan vào vai quan tư đồ và NS trẻ Tô Kim Hồng vào vai Điêu Thuyền.

Mùa đông Hà Nội lạnh buốt, lúc đó bà lại bị chứng đau khớp hành, đau nhức không ngủ được, cả đoàn lo lắng không yên. Nhưng khi đêm hát mở màn, bà vẫn uy nghi lẫm lẫm giậm chân bước ra, tràng pháo tay kéo dài không ngớt. Sau suất hát phục vụ đại hội là suất hát giao lưu nghệ sĩ hai miền. Buổi diễn kết thúc, hoa ngợp khán phòng, lần đầu tiên nghệ sĩ miền Nam thấy hoa đẹp và nhiều như vậy. Nghệ sĩ miền Bắc tràn lên sân khấu, nụ cười và nước mắt chan hòa, ôm hôn những người đồng nghiệp cách xa hàng ngàn cây số...

Và đó là đêm hát cuối cùng.

Thời gian ngắn sau, bà tặng bộ giáp Lữ Bố mà bà hằng yêu quý đã gắn bó nhiều năm với vai diễn và tên tuổi của bà cho Bảo tàng TP. Bộ giáp được làm thủ công, kết “mắt gà” công phu do một nghệ nhân người Hoa trong Chợ Lớn chuyên làm phục trang cho các đoàn hát Quảng Đông chế tác cho riêng bà.

Bà Phùng Há cũng đã tặng tất cả y trang áo mão gồm 163 món mà trước ngày giải phóng bà đã mua ở Hong Kong để đoàn cải lương Sài Gòn 1 dựng hai vở: Phụng Nghi đình và Mạnh Lệ Quân. Bà cũng tặng toàn bộ trang phục, đao kiếm cho đoàn hát Tiền Giang để xây dựng một vở tuồng sử.

Những năm sau đó, bà dành hết tình yêu nghề cho học trò. Bà truyền dạy cải lương ở Trường Nghệ thuật sân khấu II, bây giờ là Trường Sân khấu - điện ảnh thành phố. Năm 1979, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang khai giảng khóa đầu tiên đào tạo nghệ sĩ trẻ, bà đã nhận lời giảng dạy và đã có nhiều nghệ sĩ thành danh từ lớp học này. Lớp học có nhiều gián đoạn vì sức khỏe không cho phép, nhưng bà vẫn còn truyền nghề cho một số lớp nghệ sĩ đến năm 1995.

Về sau bà chỉ chuyên tâm vào công tác cứu trợ và đeo đuổi ước mơ xây “ký nhi viện” cho con em nghệ sĩ sau khi đã gầy dựng được “viện dưỡng lão nghệ sĩ”.

Những vai diễn để đời

Phùng Há - 100 năm bây giờ mới kể - Kỳ 4: Vai diễn đi cùng năm tháng ảnh 2

Nghệ sĩ Phùng Há trong một vai diễn - Ảnh tư liệu gia đình 

NSND Phùng Há có rất nhiều vai diễn gây được ấn tượng mạnh với công chúng, trong đó có nhiều vai diễn được xem là mẫu mực, thước đo cho các nghệ sĩ lớp sau học hỏi như: Lữ Bố (vở Phụng Nghi đình), Dương Quý Phi (Tình sử Dương Quý Phi), An Lộc Sơn (Đường Minh Hoàng du nguyệt điện), Kiều Nguyệt Nga (Kiều Nguyệt Nga), Nguyệt (Tô Ánh Nguyệt), Lựu (Đời cô Lựu), Thúy Kiều (Kim Vân Kiều)...

Bà cũng là người tiên phong cho trào lưu đào đóng vai kép. Vào khoảng năm 1950, do gánh hát thiếu nam nghệ sĩ giỏi nghề đóng vai khó nên bà đã táo bạo thử nghiệm hình thức mới, vai kép đầu tiên mà bà đóng là An Lộc Sơn. Vai diễn này sau đó được công chúng nồng nhiệt đón nhận và bà tiếp tục có những vai kép hay như Đường Minh Hoàng, Lữ Bố, Tào Tháo, Hoàng tử Lang...

Đặc biệt, vai Lữ Bố bà đã diễn chung với rất nhiều nữ nghệ sĩ như cô Năm Phỉ, cô ba Thanh Loan, Kim Cương, Thanh Nga... vai diễn này gắn bó với bà mấy chục năm trời và đã cùng bà lưu diễn nhiều nơi trên thế giới.

LINH ĐOAN

Theo NSƯT NAM HÙNG (Tuổi Trẻ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm