Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định đã được Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM cấp phép hoạt động cho bảo tàng ngoài công lập tại TP.HCM. Bảo tàng dự kiến khánh thành vào ngày 27-8 tại 145 Trần Quang Khải, quận 1. Mỗi hiện vật ở đây đều gắn liền với những câu chuyện ghi dấu chiến công của các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn (BĐSG).
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, căn nhà này được Chiến sĩ biệt động Trần Văn Lai (biệt danh Mai Hồng Quế, Năm Lai, Năm U.SOM…) dùng làm nơi phục vụ các công việc thầu khoán, thầu xây dựng cho Dinh Độc Lập và là nơi thực hiện các nhiệm vụ công tác bí mật của lực lượng Biệt động Sài Gòn.
Bảo tàng có 7 bộ sưu tập hiện vật lịch sử quý giá. Bao gồm: Bộ sưu tập hầm bí mật chứa vũ khí, chứa ém quân, chứa thư từ, tài liệu, tiền vàng… ; Bộ sưu tập vũ khí; Bộ sưu tập vật dụng sinh hoạt hàng ngày của cán bộ, chiến sĩ BĐSG; Bộ sưu tập dụng cụ phục vụ sản xuất bàn ghế, màn rèm, đồ nội thất cho Dinh Độc Lập của Nhà thầu khoán Trần Văn Lai; Bộ sưu tập phương tiện đi lại của các cán bộ chiến sĩ BĐSG bao gồm xe ô tô, xe gắn máy, xe đạp; Bộ sưu tập thiết bị thông tin liên lạc của các cán bộ, chiến sĩ BĐSG (máy in truyền đơn, máy điện thoại, máy ảnh, radio, máy rọi phim, máy chiếu phim…); Bộ sưu tập câu chuyện lịch sử về BĐSG.
Căn nhà được giữ nguyên kiến trúc xây dựng từ năm 1963 và được anh Trần Vũ Bình (con trai Anh hùng lực lượng vũ trang Trần Văn Lai) dùng làm nơi trưng bày nhiều hiện vật lịch sử quý giá gắn liền với từng giai đoạn hoạt động cách mạng của ông Trần Văn Lai và lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định. |
Trận đánh mùng 5-12-1967, hai chiến sĩ biệt động Nguyễn Thị Bích Nga (pháo thủ số 2) và ông Tám Cứ (pháo thủ số 1) đã sử dụng khẩu pháo cối 82 ly pháo kích vào sở chỉ huy tướng Westmoreland nằm trên đường Phan Đình Phùng cũ (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu). Ông Nguyễn Quốc Độ, Phó Chủ nhiệm CLB Truyền thống kháng chiến khối vũ trang biệt động TP.HCM, cho biết quá trình vận chuyển khẩu pháo 82 ly này vào nội đô rất khó khăn, chỉ chuyển được nòng súng nên khi bắn không có bàn đế, không có máy ngắm, không chân chống, phải cố định vào cột nhà, dùng vỏ xe tải làm chân đế, bắn 3 trái thì đều trúng mục tiêu. |
Khẩu DKZ 75 được Tiểu đoàn 6 Bình Tân (Tiểu đoàn võ trang thuộc quân khu Sài Gòn - Gia Định) pháo kích vào lễ duyệt binh ngày 1-11-1966. |
Không giấu được sự xúc động khi kể về chiếc máy ảnh hiệu Yasshica 635, anh Trần Vũ Bình (con trai ông Năm Lai) cho biết: “Cha tôi đã sử dụng máy ảnh này để tự chụp nhiều tấm hình chân dung, chụp rồi xem lại các biểu cảm “giả điên” của mình để làm giả hồ sơ tâm thần”. |
Chiếc máy đánh chữ trong văn phòng của tổng thống chính quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu bỏ lại sau ngày 30-4-1975. |
Radio ấp chiến lược, do chính phủ Mỹ cấp miễn phí cho người dân trong ấp chiến lược - thời kỳ Ngô Đình Diệm dồn dân lập ấp chiến lược để dễ quản lý. Việc phát radio miễn phí cho dân nhằm thuận lợi cho mục đích tuyên truyền. Loại radio này được thiết kế đặc biệt, rất đơn giản dễ sử dụng và bắt sóng rất mạnh ở một vài tần số. |
Chiếc xe đạp máy hiệu Velo Solex của Pháp, sản xuất thập niên 1950 của ông Lai giao cho nữ giao liên Nguyễn Ngọc Huệ (bí danh Thu Ba) trước năm 1968. Khi biết tin Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định đi vào hoạt động, bà Huệ tình nguyện trao tặng kỷ vật quý. |
Các hạng mục tu sửa đang được gấp rút hoàn thành cho kịp ngày khánh thành bảo tàng. |