THÀNH VIÊN CỦA FIFA VÀ UEFA BỊ CHỈ ĐIỂM THAM GIA VỤ BÁN PHIẾU

Qua sông phải lụy đò

Đối diện với cáo buộc ăn hối lộ để làm lệch cán cân bầu bán dân chủ trong lá phiếu của các thành viên FIFA nhằm quyết định đến quốc gia đăng cai World Cup, có ít nhất hai thành viên của FIFA bị chỉ mặt. Tương tự, cuộc bầu chọn chủ nhà Euro 2012 cũng đang ngập tràn các trang báo cùng số tiền hối lộ lên đến 15 triệu USD.

Những sự việc trên thực chất không mới nếu đi sâu vào hoạt động của các tổ chức liên đoàn bóng đá từ các quốc gia đến các khu vực. Vấn đề là việc kéo phiếu bầu về để có lợi cho quốc gia mình (hay cá nhân tùy theo mục đích của những cuộc bỏ phiếu) được thực hiện theo hình thức nào, phạm luật hay không phạm luật.

Nói đâu xa, ngay như bóng đá Việt Nam cũng từng được “mời mọc” và từ các quan chức AFC và cả FIFA trước những cuộc bầu bán cần vận động hành lang. Điển hình là Chủ tịch FIFA Sepp Blatter trước cuộc bầu cử đã cùng Chủ tịch AFC Bin Hamman đến Việt Nam thăm hỏi và hứa hẹn rất nhiều cho những cái gọi là “chương trình hành động” nếu đắc cử. Hoặc với chính Chủ tịch AFC Bin Hamman khi cần tranh thủ phiếu bầu của thành viên AFC (đại diện LĐBĐ Việt Nam) thì lập tức có một chuyến thăm rất trịnh trọng kèm theo hàng loạt lời hứa sẽ giúp bóng đá Việt Nam có thêm những công trình lẫn nguồn tiền từ FIFA cho các quốc gia nghèo phát triển bóng đá (như tòa nhà liên đoàn hay trung tâm bóng đá trẻ, quỹ phát triển bóng đá trẻ…). Nhân nói chuyện trên, một quan chức VFF của nhiệm kỳ II và III kể lại rằng trước những cuộc bầu bán quan trọng thì các quốc gia thành viên - những người ảnh hưởng trực tiếp đến phiếu bầu luôn được “chăm sóc” rất chu đáo để gây ảnh hưởng và lấy thiện cảm. Chính vị này còn kể rằng trước những cuộc bầu bán quan trọng như thế, người đại diện của bóng đá Việt Nam phải làm việc với thường trực liên đoàn để xác định mục đích, tiêu chí và đối tượng ủng hộ, đồng thời cũng phải báo cáo lên Ủy ban TDTT (khi đấy chưa nhập với văn hóa và du lịch)…

Qua sông phải lụy đò ảnh 1

Thay vì công khai và rõ ràng như Chủ tịch FIFA Blatter và Chủ tịch AFC Bin Hamman hứa hẹn cho bóng đá Việt Nam những gì thì nhiều liên đoàn quốc gia lại tranh thủ bằng hình thức hối lộ. Ảnh: QUANG THẮNG

Dài dòng chuyện của ta từ những cuộc bầu bán bình thường để thấy rằng chuyện hệ trọng từ việc đăng cai tổ chức World Cup hay Euro thì “khách hàng” còn được “chăm sóc” kỹ như thế nào để rồi từ hợp pháp (như làm với ta) sang phạm luật. Đấy cũng là lý do mà những tờ báo lớn ở châu Âu từng có lần vạch mặt chỉ tên những vợ quan chức của các liên đoàn được lo lót hột xoàn, kim cương và nữ trang đắt tiền nhằm làm ảnh hưởng đến quyết định của những ông chồng chuẩn bị những quyền sinh quyền sát qua các lá phiếu.

Mới đây, hai vụ ồn ào liên quan đến FIFA và UEFA không làm dân bóng đá bất ngờ bởi khoảng cách từ hứa hẹn, tranh thủ cho đến những động tác bắt tay (và cả mua bán) dưới gầm bàn rất gần nhau.

Vừa qua, UEFA có ra thông báo “Sẽ đâm đơn kiện, dân sự lẫn hình sự, đối với bất cứ cá nhân nào hoặc đối với cá nhân những người đưa ra lời buộc tội không có căn cứ” nhưng ai cũng biết thông báo này rất yếu vì lâu nay chuyện bầu bán nó vẫn thế nhưng vấn đề là có bị khui ra hay không mà thôi.

Hôm nay (27-10) là hạn chót để các bên đưa ra bằng chứng vụ mua phiếu tổ chức Euro 2012 và theo những thành viên tố cáo thì tất cả đã có trong tay, kể cả phiếu chuyển tiền vào tài khoản cá nhân.

Trong khi đó, từ FIFA cũng gửi yêu cầu đến những tờ báo Anh khui ra vụ bê bối này cung cấp thêm nhiều bằng chứng quan trọng có liên quan đến đồng chủ nhà Tây Ban Nha - Bồ Đào Nha và cả Qatar nhúng chàm trong cuộc chạy đua cho chiếc ghế đăng cai World Cup 2018 và 2022.

Chắc chắn phản ứng từ FIFA lẫn UEFA chỉ là việc chẳng đặng đừng khi những tổ chức thành viên của mình đã để mang tiếng quá nhiều trong việc “qua sông phải lụy đò” để có được quyền đăng cai và từ đó sẽ có nhiều khoản thu lẫn những món lợi rất rất lớn.

- Vụ bê bối quan chức FIFA âm mưu bán phiếu bầu World Cup 2018 và 2022 được báo Anh Sunday Times tung ra băng hình quay cuộc phỏng vấn cựu Tổng thư ký FIFA Zen-Ruffinen, trong đó ông khẳng định liên danh ứng viên Bồ Đào Nha - Tây Ban Nha đã móc ngoặc với ứng viên Qatar bỏ phiếu cho nhau giành quyền tổ chức World Cup 2018 và 2022.

- Ông Zen-Ruffinen (bị Chủ tịch S. Blatter ép từ chức năm 2002) còn nêu chi tiết cụ thể là hiện Bồ Đào Nha và Qatar đã vận động nắm được trong tay bảy phiếu rồi nên cần ít nhất sáu phiếu nữa (trong tổng số 24 phiếu bầu). Thậm chí ông còn điểm danh ngoài hai quan chức FIFA đã bị treo chức còn một vị nữa được mua chuộc không phải bằng tiền mà bằng… mỹ nhân kế!

- Và thêm nhân vật “đen” thứ tư mệnh danh là “tên cướp lớn nhất quả đất này” đòi lót tay tối thiểu 500.000 USD.

Sau đó, qua một tờ báo Pháp ông còn kêu gọi FIFA hãy giao công tác điều tra nội vụ cho một cơ quan bên ngoài, thay vì tự mình làm vừa đá bóng vừa thổi còi như lâu nay sẽ không đi đến đâu.

HUY KHANH

QUỐC TRÍ - NGUYỄN HUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm