Quá tải đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm

Tại hội thảo về kỹ năng giải quyết đơn, án giám đốc thẩm, tái thẩm (GĐT, TT) do VKSND cấp cao tại TP.HCM vừa tổ chức, ông Hà Thái Hùng (Phó Vụ trưởng Vụ Khiếu tố - Vụ 12 VKSND Tối cao) cho biết: “Trung bình mỗi năm vụ này tiếp nhận hơn 11.000 đơn mới đề nghị kháng nghị GĐT, TT. Vì cán bộ quá tải nên tỉ lệ giải quyết đơn thấp, hằng năm chỉ đạt khoảng 20%. Số lượng đơn hết thời hạn kháng nghị chuyển sang lưu ngày càng nhiều... đã tạo áp lực nặng nề đối với đơn vị.

Quá tải, phải sắp xếp thứ tự ưu tiên

Ông Lê Thành Dương (Vụ trưởng Vụ Kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự - Vụ 9 VKSND Tối cao) cũng cho biết: “Năm 2011, vụ này thụ lý 22.565 đơn đề nghị kháng nghị GĐT, TT nhưng chỉ giải quyết được 14,7%. Năm 2012, vụ này thụ lý 23.317 đơn và giải quyết được 23,5%. Năm 2013 thì tỉ lệ giải quyết đơn lên được 26%, năm 2014 đạt 25,06%. Sáu tháng đầu năm 2015 tỉ lệ giải quyết đơn là 11,2%. Hiện Vụ 9 đã bàn giao về ba VKSND cấp cao 4.601 đơn còn thời hiệu để giải quyết”.

Chia sẻ về áp lực, ông Phạm Văn An (Phó Vụ trưởng Vụ Kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự - Vụ 7 VKSND Tối cao) nói: “Do lượng đơn đề nghị GĐT, TT dồn về quá nhiều trong khi nhân sự luôn thiếu nên Vụ 7 phải có thứ tự ưu tiên cho đơn kêu oan, đơn sắp hết thời hạn theo luật định, đơn khiếu nại bức xúc vì để kéo dài và các trường hợp vừa có đơn khiếu nại của công dân vừa có công văn đề nghị của VKS địa phương”.

Đó là tình trạng quá tải trong giải quyết đơn đề nghị GĐT, TT ở VKSND Tối cao, còn ở ba VKSND cấp cao hiện nay thì công việc cũng “như núi”.

Theo Viện trưởng VKSND cấp cao tại Đà Nẵng Phan Văn Sơn, đơn vị này có 3.615 đơn đề nghị GĐT, TT, trong đó có 161 trường hợp đã kháng nghị GĐT. “Nan giải nhất vẫn là vấn đề nhân sự. Hiện anh em không có ngày thứ Bảy, Chủ nhật vì phải giải quyết quá nhiều lượng đơn tồn đọng chuyển về” - ông Sơn than thở.

Đồng cảm, Viện trưởng VKSND cấp cao tại TP.HCM Nguyễn Văn Quảng cũng cho biết tính đến ngày 30-9, đơn vị này có tổng cộng 8.359 đơn đề nghị GĐT, TT. Với số đơn trên, chín cán bộ phải làm việc liên tục trong hai tháng mới phân loại hết...

Những giải pháp

Để tháo gỡ phần nào thực trạng quá tải, ông Phan Văn Sơn chia sẻ kinh nghiệm riêng: Khi ông làm công tác tiếp nhận đơn, tiếp xúc 28 người dân thì có chín người đã tự nguyện rút đơn sau khi nghe giải thích về pháp luật. Theo ông Sơn, việc giúp người dân hiểu rõ vấn đề cũng là một trong những cách giảm tải lượng đơn, án GĐT, TT phải giải quyết.

Ông Võ Chí Thiện (VKSND cấp cao tại TP.HCM) thì đề nghị nên đề ra quy chế phối hợp với các VKSND địa phương cùng giải quyết nhằm tránh để đơn đề nghị GĐT, TT tồn đọng và hết thời hạn. Ông Sơn cũng đồng tình với đề xuất này.

Về lâu dài, nhiều đại biểu cho rằng cần có cơ chế phối hợp với tòa án để trao đổi thông tin, tránh việc hai cơ quan cùng rút hồ sơ giải quyết một vụ việc. Bên cạnh đó, ngành kiểm sát cũng cần xây dựng một phần mềm quản lý toàn diện bởi hiện nay công tác quản lý, thống kê chủ yếu vẫn là làm thủ công.

Xin kháng nghị GĐT, TT sẽ phải mất phí?

Tại một hội thảo do TAND Tối cao tổ chức hồi tháng 9-2015, nhiều lãnh đạo tòa án các địa phương đã chỉ ra những bất cập về chế định GĐT, TT.

Theo các ý kiến này, vì cơ sở đề nghị kháng nghị GĐT, TT khá rộng, chưa cụ thể và đương sự “không mất gì” khi đề nghị nên cứ gửi đơn tràn lan để cầu may khiến chế định GĐT, TT trở thành một cấp xét xử chứ không còn là thủ tục đặc biệt nữa. Mặt khác, do luật định nên trong nhiều vụ chứng cứ đã rõ, thay vì có thể phán quyết luôn để giải quyết dứt điểm thì cấp GĐT, TT vẫn phải hủy án, đưa về các tòa cấp dưới xét xử lại làm kéo dài thời gian giải quyết án, tốn kém tiền của, công sức của các tòa và các đương sự.

Do vậy, cần nghiên cứu sửa đổi quy định tố tụng chặt chẽ hơn về điều kiện, trách nhiệm, nghĩa vụ của người gửi đơn đề nghị GĐT, TT (lệ phí nộp đơn, nghĩa vụ chứng minh...) để hạn chế tình trạng gửi đơn tràn lan. Song song đó cũng cần sửa đổi thẩm quyền của Hội đồng GĐT, TT theo hướng không chỉ dừng lại ở mức phá án để giao về các tòa cấp dưới mà giải quyết dứt điểm luôn về nội dung đối với những vụ án chứng cứ đã rõ.

Nhật Bản mỗi năm chỉ có khoảng 200 đơn

Ở Nhật có hình thức tương tự TT ở Việt Nam đối với án hình sự nhưng chỉ TT đối với các bản án mà tòa tuyên bị cáo có tội. Có ba điều kiện để được TT là vụ án có việc giả mạo chứng cứ, thẩm phán nhận hối lộ và can thiệp bất hợp pháp (lạm dụng quyền lực) hoặc phát hiện tình tiết, chứng cứ mới.

Từ năm 2006 đến 2010, mỗi năm Nhật chỉ có khoảng 200 đơn đề nghị TT và có khoảng 10 vụ được tòa thụ lý mở phiên TT. Ở Nhật tránh trường hợp mở quá nhiều phiên TT tạo gánh nặng cho ngành tòa án và kiểm sát.

Ông MATSUMOTO TAKESHI, cố vấn trưởng Dự án JICA - Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều