Hẳn nhiều người khi nghe đến điều này sẽ băn khoăn rằng tại sao không phải là thức ăn, tiền bạc hay những giá trị vật chất khác mà lại là món đồ quá nhạy cảm? Chính những người nhận là các em học sinh ban đầu cũng cảm thấy ngại ngùng vì điều này...
Hơn cả sách vở, đồ chơi
Có lẽ ngay từ khi bắt đầu công việc thiện nguyện từ nhiều năm về trước, chị Thúy cùng các thành viên trong hội quán không thể tưởng tượng được một ngày nào đó mình lại đi quyên góp món đồ trên để tặng cho các em.
Những chuyến đi khảo sát thực tế ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, những cuộc trò chuyện ngắn, những lần tiếp xúc với người dân, với các em gái đang trong độ tuổi dậy thì, các chị nhận ra rằng các em còn thiếu quá nhiều kiến thức về giới tính, về sức khỏe sinh sản. Vì gia đình quá nghèo, nhiều em gái không có đồ dùng, nếu có thì vải cũng mục hết...
“Lúc đó chúng tôi nghĩ rằng thiện nguyện không chỉ là hỗ trợ đồ ăn, thức uống, sách vở hay đồ chơi... Tại sao không thể là loại áo quần để các em có thể giữ gìn vệ sinh cá nhân, chăm sóc cho sức khỏe chính mình” - chị Thanh Thúy, Hội trưởng Hội quán Các bà mẹ, trăn trở.
Sau nhiều ngày lên kế hoạch, lập quỹ riêng cho việc mua quần áo mới cùng với sự cố vấn của ThS-BS Nguyễn Lan Hải, ngày 12-5-2014, chị Thúy cùng các thành viên bắt đầu hành trình. Hội quán đã tặng hàng ngàn áo quần trên cho các em ở nhiều tỉnh, thành như Quảng Bình, Ninh Thuận, Bình Định, Đơn Dương, Sài Gòn.
Những chuyến đi đầy trăn trở...
Một nữ sinh lớp 12 (người Bana, Trường THPT Dân tộc nội trú Gia Lai) chia sẻ đến năm lớp 7 em mới bắt đầu biết đến "nội y". Đó là em, còn những bạn gái khác mà em biết, có bạn thì lớp 8, có bạn đến lớp 9... “Em không biết lý do vì sao mình phải mặc nó. Mẹ bảo mặc đi nhưng em thấy không cần thiết. Mẹ em cũng không nói gì thêm. Có nhiều bạn ở cùng làng cũng như em thôi”.
Còn một nữ sinh khác thì nói ngay: “Em cũng không biết nó có ảnh hưởng tới sức khỏe gì hết”. Tâm sự với đoàn của hội quán ngày hôm đó, nhiều nữ sinh chia sẻ đến giờ vẫn không ý thức được sự quan trọng của việc chăm sóc bản thân và vấn đề về giới tính.
Nữ sinh Trường THPT Dân tộc nội trú Gia Lai chia sẻ trong buổi nói chuyện về chuyên đề giáo dục giới tính do Hội quán Các bà mẹ tổ chức. Ảnh: THANH TUYỀN
“Ở trường của chúng tôi, học sinh chủ yếu là người dân tộc Bana, sống ở vùng sâu, vùng xa nên kiến thức về vệ sinh cho bản thân, chăm sóc sức khỏe giới tính không được đầy đủ. Dù thầy cô cố gắng để thuyết phục nhưng các em rất khó nghe theo, phải mất rất nhiều thời gian” - cô Văn Thị Thu Vân, Chủ tịch công đoàn, Ban Văn hóa - Xã hội của Trường THPT Dân tộc nội trú Gia Lai, bộc bạch.
Chị Trịnh Thị Lê, Chủ tịch Hội Phụ nữ thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai, cũng trăn trở: “Lần này hội quán đến, chúng tôi cũng cố gắng để lồng ghép thực hiện chuyên đề giáo dục luôn để các em nghe và có thêm kiến thức. Thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng tổ chức nhiều buổi nói chuyện hơn để các em có ý thức hơn về vệ sinh, sức khỏe chính mình”.
Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, Hội trưởng Hội quán Các bà mẹ, cho biết: "Nhiều em khi thấy món quà mà chúng tôi mang đến tặng thì ngại ngùng, chưa chịu nhận ngay. Sau một lúc nói chuyện với riêng tôi, các em mới hiểu được và vui vẻ nhận mà không cảm thấy ngại ngùng nữa. Có em còn chạy đến gặp để xin thêm".
Đã có nhiều người cùng chung tay Sáu tháng trước, một người phụ nữ ở tỉnh Gia Lai vô tình biết được công việc mà các thành viên trong hội quán đang làm. Chị đã cùng chung tay đóng góp hàng ngàn quần áo "nội y" cho các em. “Biết đến chương trình, nghe những câu chuyện của các em, tôi nghĩ đó là việc cần làm vì đó là điều cần thiết” - chị nói. Tham gia hoạt động này một thời gian, chị còn đưa ra ý tưởng tặng cả cho các học sinh nam. Chuyến đi về thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai lần này, chị Mai Anh Thơ, giảng viên Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cũng đã đóng góp 500 quần áo cho các em. Khi biết đến hoạt động này, chị chia sẻ với những người bạn học của mình trong lần họp mặt lớp đầu năm và được mọi người ủng hộ, cùng nhau đóng góp. Hiện chị Thúy cùng các thành viên trong hội quán vẫn đang tìm mọi cách để tiếp tục gây quỹ, mua quần áo lót mang tặng cho các em ở nhiều vùng miền khác nhau. |